Các video có thể biến mất, nhưng sách nấu ăn vẫn luôn nằm trên kệ
Tuổi trẻ Chủ Nhật 7.11.2024 – “Vài chục năm nữa, các video của tôi có thể biến mất do nền tảng thay đổi, nhưng sách của tôi vẫn sẽ nằm trên kệ ở hệ thống thư viện các nước.” https://cuoituan.tuoitre.vn/cac-video-co-the-bien-mat-nhung-sach-nau-an-van-luon-nam-tren-ke-2024103010033532.htm
Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, Helen Le – nhà sáng tạo nội dung về ẩm thực Việt Nam nổi tiếng trên mạng xã hội, cũng là tác giả của nhiều đầu sách hướng dẫn nấu ăn – tin tưởng dòng sách này vẫn giữ được vị trí đặc biệt trong lòng người yêu bếp, dù có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các phương tiện trực tuyến.
Helen Le, hay Lê Hạ Huyền, hiện đang sống và làm việc tại Đà Nẵng. Cô là chủ kênh YouTube Helen’s Recipes (hơn 639.000 người theo dõi) và là tác giả của Vietnamese Food with Helen’s Recipes (2014), Món ăn Việt với Helen (2015), Simply Pho (tiếng Anh xuất bản năm 2017, tiếng Hoa xuất bản năm 2019), Xì Xà Xì Xụp (2017); Món Chay Bếp Nhà (2021) và mới nhất là Vegan Vietnamese (2023).
Chị đã nổi tiếng với các công thức nấu ăn bằng video, tại sao vẫn muốn xuất bản sách, trong khi người ta sẽ dễ dàng học từ YouTube của chị?
Chính khán giả xem video là những người đầu tiên yêu cầu tôi làm sách vì họ muốn cầm trên tay một tác phẩm hữu hình – nơi người đọc có thể tìm thấy những câu chuyện, và sự kết nối với văn hóa ẩm thực một cách có chiều sâu hơn. Đó chính là nguồn động lực để tôi bắt đầu với việc làm sách, dù thực tình tôi không quá giỏi về viết lách.
Sau khi tự xuất bản cuốn đầu tiên, tôi nhận thấy việc xuất bản sách có một giá trị khác biệt mà video không thể thay thế hoàn toàn. Sách cung cấp một trải nghiệm có tính cá nhân, giúp người đọc tập trung, khám phá từng trang với sự chậm rãi, cân nhắc và chiêm nghiệm. Nó cũng tạo cảm giác hoài niệm và truyền thống – như cách ta từng tìm đến những công thức trong sổ tay của mẹ hoặc bà. Ngoài ra, sách có thể lưu trữ và tham khảo bất cứ lúc nào, dù có Internet hay không.
Đối với tôi, xuất bản sách là cách để tổng kết và lưu giữ những trải nghiệm và kiến thức ẩm thực, tạo nên giá trị lâu dài và bền vững hơn so với nhịp sống số nhanh của nội dung trực tuyến.
Vài chục năm nữa, các video của tôi có thể biến mất do nền tảng thay đổi, nhưng sách của tôi vẫn sẽ nằm trên kệ ở hệ thống thư viện các nước. Điều đó thật đặc biệt, phải không nào?
Thị trường sách nấu ăn bị các phương tiện trực tuyến ảnh hưởng nhiều, yếu tố nào giúp chị vẫn tự tin chọn lựa việc xuất bản sách?
Tôi tin rằng sách nấu ăn có một sức hút đặc biệt và những giá trị không dễ bị nội dung online thay thế, chẳng hạn độ tin cậy và tính hệ thống. Sách nấu ăn, đặc biệt là từ những đầu bếp nổi tiếng hoặc những người có ảnh hưởng đến ẩm thực, thường cung cấp các công thức thực sự chất lượng và đã qua thử nghiệm nhiều lần.
Người đọc có thể tin tưởng rằng các công thức có độ chính xác cao, cho ra món ăn ngon như mong đợi. Trong khi đó, việc nấu theo các công thức trên mạng có thể khá “hên xui”. Một cuốn sách nấu ăn có thể cung cấp một cách tiếp cận có hệ thống, giúp người mới bắt đầu cải thiện dần dần hoặc đi sâu vào một nền ẩm thực cụ thể.
Ngoài ra, một cuốn sách tạo nên trải nghiệm thực mà các công cụ trực tuyến không thể mang lại. Việc lật giở từng trang sách, ghi chú trực tiếp lên sách, hay đặt sách trong gian bếp luôn là một điều thú vị đối với những người yêu nấu ăn.
Nó như một tài sản cá nhân, có thể lưu giữ qua nhiều thế hệ. Khi đọc sách, người đọc có không gian và thời gian để chiêm nghiệm và nghiên cứu kỹ hơn. Trong khi đó, với nội dung trực tuyến, người ta thường có xu hướng lướt nhanh và có thể bị phân tâm bởi nhiều yếu tố khác.
Nhiều tác giả trên thế giới hiện nay đi theo con đường viết sách nấu ăn không chỉ là để chia sẻ công thức nấu ăn mà còn các giá trị khác. Quan điểm này có đúng với chị và sách của chị không?
Tôi cũng tin rằng một cuốn sách nấu ăn không chỉ đơn thuần là tập hợp các công thức, mà còn là một hành trình văn hóa và cảm xúc. Trong mỗi công thức, tôi luôn cố gắng chia sẻ những câu chuyện về nguồn gốc món ăn, kỷ niệm cá nhân, hoặc những nét đặc trưng của lịch sử và truyền thống gia đình.
Tôi mong muốn thông qua các cuốn sách, người đọc không chỉ học được cách nấu ăn mà còn hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam, cảm nhận được tình yêu và niềm đam mê mà tôi dành cho ẩm thực. Việc kết hợp giữa công thức và câu chuyện giúp tạo nên một trải nghiệm toàn diện, truyền cảm hứng cho người đọc khám phá và trân trọng hơn những giá trị ẩm thực truyền thống.
Ngoài ra, tôi cũng chú trọng tính thẩm mỹ trong việc trình bày món ăn và thiết kế sách. Hình ảnh đẹp và bố cục hài hòa không chỉ thu hút người đọc mà còn khơi dậy cảm hứng nấu nướng. Tôi hy vọng qua những nỗ lực đó, sách của tôi có thể mang lại giá trị vượt ra ngoài việc nấu nướng, trở thành cầu nối giữa con người và văn hóa, giữa quá khứ và hiện tại.
Cám ơn chị!
Trong Simply Pho, Helen Le kể về hành trình tìm nguồn gốc một công thức phở đặc biệt mà cô vô tình có được. Công thức đến từ một tiệm phở “chui” bán dưới mác một cửa hàng băng đĩa trên đường Claude-Bernard. Đó là tiệm Pho Vidéo, nơi bán món phở được cho là ngon nhất và đắt nhất ở thủ đô nước Pháp. Quán chỉ chừng chục chỗ ngồi, mở được hơn 10 năm vào thập niên 1990, chủ quán là người Việt, chỉ muốn kiếm đủ tiền cho con trai đi học y và mua một phòng khám cho cậu. Mỗi ngày, ông chỉ nấu vài chục tô và chỉ bán năm ngày một tuần, còn không nhận đặt chỗ trước. Thậm chí khi thực khách đòi bán thêm, chủ tiệm còn “dọa” giảm bớt một ngày bán. Và bí kíp để tô phở này hút khách nằm ở công phu nước dùng của chủ quán: với 20 suất ăn, ông dùng 20 kg xương bò, 4 kg sườn bò, thêm 2 kg hành tây! Trước khi đóng tiệm, ông chia sẻ công thức của mình và fan của tiệm phở đã giúp lan truyền.
Helen biết công thức này qua một người bạn, Stefan Leistner, tác giả cuốn sách nấu ăn Asia Street Food. Leistner được chia sẻ công thức viết tay bằng tiếng Việt từ một người khác tên Thierry Bertman. Để đưa công thức Pho Vidéo vào sách, Helen cần tìm được người sở hữu công thức để xin phép, và hành trình này hóa ra không đơn giản. “Tôi tìm kiếm trên Google với các từ khóa “Pho Vidéo” và “nhà hàng Pho Vidéo”, nhưng không có kết quả (…) May mắn thay, tôi gặp lại Stefan (…) nhưng anh cũng không biết ai là người đã viết công thức đó. Chúng tôi thậm chí không biết liệu nhà hàng còn hoạt động hay không. Sau cùng, tôi nghĩ rằng nếu đây là một nhà hàng nổi tiếng như vậy ở Paris, có thể sẽ có một số thông tin bằng tiếng Pháp. Vì vậy, tôi đã nhờ Huỳnh Thiên Lương, một người bạn ở Paris, và cô ấy đã tìm thấy thông tin có giá trị nhất trên blog của Kha. Em họ của tôi, Lê Thảo Nguyên, từng học ở Pháp, đã giúp tôi dịch lại. Bạn sẽ không thể tin được tôi đã hạnh phúc thế nào khi cuối cùng tìm được nguồn gốc của công thức này!”.
(bản dịch từ sách Simply Pho của Helen Le)
Tags In:
Helen Le
Related Posts
Leave a Reply Cancel reply
You must be logged in to post a comment.
About me
Since 2011, I've passionately shared my cooking videos on social media to help food lovers make mouthwatering authentic Vietnamese dishes at home. I've been featured in many prestigious magazines and TV shows, playing different roles like a character, guest, and even a cooking show host. I'm also a proud author of best-selling cookbooks that have made their way into kitchens all over the world. You can grab my cookbooks in English, Vietnamese, or Chinese from tons of online stores and bookshops worldwide. Let's cook up some tasty adventures together!