Chuyện sinh nở và chăm con chưa bao giờ là dễ dàng. Hôm nay Helen muốn chia sẻ với cả nhà một trải nghiệm sau sinh mà với Helen đó thực sự là một khoảng thời gian vô cùng khó khăn. Đây là một câu chuyện mà Helen đã muốn chia sẻ từ lâu nhưng đến nay mới cảm thấy đủ dũng khí để viết ra.

Sau khi sinh Emmy (bé thứ 2 của Helen) được 5 tuần, lúc đang cho con bú bình thường thì Helen phát hiện ra dưới một bên bầu ngực của mình xuất hiện một khối u cứng, ban đầu Helen tưởng là do sữa về nhiều, chỉ cần massage là sẽ tan ra. Helen cũng không để ý nhiều đến nó cho đến một tuần sau, cục u này không tan ra mà còn cứng hơn. Helen quyết định khi đi khám thử xem sao, không ngờ đến bệnh viện bác sĩ kết luận là bị áp-xe vú và phải nhập viện 2 tuần để điều trị, bao gồm việc phải cắt sữa và phẫu thuật để lấy mủ ra.

Lời chẩn đoán của bác sĩ nghe như sét đánh ngang tai, Helen nghe xong sốc toàn tập luôn, vì thứ nhất lúc đi khám mình không chuẩn bị tinh thần nhiều (tưởng chắc lên lấy thuốc về uống là xong), thứ hai là Emmy còn quá nhỏ (mới có 1 tháng rưỡi), nếu mình phải nhập viện điều trị và phải cắt sữa thì con sẽ ra sao? Với những người khác, áp xe vú hay hình thành sau sinh với biểu hiện đầu tiên là tắc sữa, nếu không chữa trị tắc sữa thì vài ngày sau sẽ gây viêm tuyến sữa, khiến cơ thể bị mệt, sốt; nhưng Helen lại hoàn toàn không có triệu chứng gì trong suốt quá trình khối u xuất hiện trên cơ thể, thậm chí còn không đau.

Cuối cùng, Helen đã quyết định sẽ nhập viện để điều trị trong vòng 2 tuần cho bên bầu ngực bị áp xe và quyết không cắt sữa, để cho Emmy bú ở bầu ngực còn lại. Đó thực sự là một thời gian kinh khủng mà đến bây giờ nhớ lại Helen vẫn còn rùng mình. Để điều trị áp xe vú, bác sĩ phải chích rạch vùng bị áp xe ra và nặn lấy mủ, sau đó nhét meche (băng gạc) vào vùng áp xe, hằng ngày phải thay meche tháo mủ, quá trình này lặp lại mỗi ngày cho đến khi hết mủ. Lần rạch đầu tiên có thuốc tê, nhưng tất cả những lần tháo gạc cũ, lấy mủ, bỏ gạc mới sau đó đều không gây tê, mà cái áp xe của Helen nặng đến mức mỗi lần y tá phải dùng từ 0.5m đến 1m băng gạc. Helen chỉ có cách cắn răng chịu đau đớn. Phải nói rằng đó là một nỗi đau quá khủng khiếp! Lần đầu tiên trong đời Helen đã khóc gào như vậy (mất cả tiếng sau mới có thể ngưng khóc) sau mỗi lần y tá thay meche và nặn lấy mủ, mặc dù bình thường Helen là một người cực kỳ khó rơi nước mắt, kể cả khi trải qua 2 lần sinh mổ Helen vẫn chịu được. Thêm nữa, vì không cắt sữa nên bầu ngực bị áp xe của Helen vẫn tiết sữa, sữa chảy vào vết thương mới rạch còn rơm rớm máu, lại phải dùng tay bóp vào liên tục để giải thoát sữa, không thể để sữa ứ lại sẽ càng bị nặng thêm, việc này khiến nỗi đau thể xác lại càng nặng nề thêm. Đó là những tháng ngày vô cùng khó khăn, quả như cơn ác mộng.

Vậy mà chỉ cần nhìn thấy Emmy bú mẹ ngon lành bên bầu ngực còn lại, rồi nghe con ngủ ngon lành trong tay mình, Helen lại thấy như được tiếp thêm sức mạnh và đủ quyết tâm để đi hết đoạn đường điều trị đầy đau đớn. Hiện tại Emmy đã hơn một tuổi, Helen nhìn con và chưa bao giờ thôi biết ơn cuộc đời đã cho mình thêm một thiên thần như vậy. Helen viết bài này để chia sẻ với những chị em đã, đang và sẽ làm mẹ, cũng như những người đã trải qua câu chuyện hậu sinh nở giống như Helen, và cho cả các em trai chưa vợ và các ông chồng nữa. Sinh con và chăm con là một chuyện tự nhiên, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc nó dễ dàng, hay đó là trách nhiệm hoàn toàn của phụ nữ. Helen may mắn vì có được một gia đình luôn thương yêu mình, và Helen mong các chị em cũng nhận được những điều tốt đẹp như vậy.

Cảm ơn mọi người đã đọc hết một bài viết dài, và nếu có bất kì điều gì muốn chia sẻ, cả nhà hãy để lại comment phía dưới nhé! Love you all!

Helen.

#TamSuNgayChuNhat #VaoBepCungHelen

P. S. Hình 2 mẹ con hồi Emmy mới vài tuần ❤️