VÌ SAO BẠN NÊN VÀO BẾP CÙNG CON TỪ SỚM?
Hôm nay nhân một sáng chủ nhật đẹp trời, Helen muốn chia sẻ với mọi người một trải nghiệm vô cùng quý báu với bản thân Helen và Helen tin rằng nó cũng sẽ có ích với bạn và gia đình nhỏ của bạn, đặc biệt là các bé.
Nấu ăn với trẻ con là một thứ ma thuật. Nó có một sức hút mãnh liệt đến kỳ lạ cho bộ óc của con trẻ, và chính Helen là người đã cảm nhận điều này một cách trực tiếp. Thuở nhỏ, thời đại không internet và không smartphone, mẹ đã cho phép và khuyến khích chị em Helen chơi trò “chơi đồ hàng nấu ăn thật” – chỉ cần một lon sữa bò, ít gạo, hai viên gạch kê lên cùng chút cành, lá cây khô hay bã mía để tạo lửa, chỉ ít phút sau là hai đứa con gái của mẹ đã có thể hò reo trước những hạt cơm trắng muốt, mềm dẻo được nấu từ đầu chí cuối bởi hai chị em. Và Helen cam đoan với bạn, cơm do chính mình nấu ra có một vị ngon vô cùng đặc biệt. Nó đặc biệt đến mức hình thành nên Helen của sau này, đó là một mảnh ký ức sống cùng với thời gian và ảnh hưởng trực tiếp đến tâm hồn của một con người.
Helen thấy may mắn vì đã được đi qua tuổi thơ với những ký ức đẹp như vậy, không chỉ là “nồi cơm” sữa bò, chị em Helen còn được mẹ chỉ cách nấu nhiều món ăn khác mà đến tận ngày nay hương vị của những lần “nấu chơi ăn thật” vẫn còn ở lại trong tâm trí. Hiện tại khi đã lập gia đình và là mẹ của hai nhóc, Helen càng thêm biết ơn mẹ vì những trải nghiệm vô giá đầu tiên với nấu ăn và với ẩm thực nói chung.
Vậy, ta quay lại tiêu đề “Vì sao bạn nên vào bếp cùng con từ sớm?”, Helen xin chia sẻ với các bạn 5 lý do sau đây:
1. Tạo dựng những kỹ năng nền tảng: Bếp là một nơi có khả năng tạo nhiều hứng thú và cho trẻ điều kiện để tiếp cận với những nguồn thông tin mà không một hoạt động nào khác có được. Từ những việc đơn giản như tính toán lượng nước cho vào, đếm số trứng nhà bạn đang có, học thứ tự cho nguyên liệu vào nồi, đến những việc phức tạp hơn như học một công thức nấu ăn (điều này sẽ làm tăng vốn từ vựng của bé), học cách lắng nghe chỉ dẫn của người khác, học cách phân tích & xử lý tình huống, v.v…
2. Thúc đẩy sự phát triển của vị giác: Trẻ con là một “giống loài” vô cùng kén ăn, có khi tụi nhỏ sẽ thẳng thừng từ chối một món mà bạn đã mất rất nhiều công sức để nấu ra, hoặc đơn giản hơn là cự tuyệt một loại rau củ nào đó. Chuyện kén ăn của con chắc chắn là một vấn đề đau đầu với bất kì ông bố bà mẹ nào, nên việc cho con vào bếp sớm sẽ khuyến khích con bạn sẵn sàng nếm những vị lạ và mới hơn những gì chúng quen thuộc. Lý do cho vấn đề này là vì khi vào bếp cùng con, bạn tạo ra một môi trường đủ an toàn cho bé để bé thấy an tâm và được khuyến khích để thử nghiệm/thử thách bản thân. Hơn nữa, việc nấu ăn mà không nếm là một điều không thể và khi vào bếp, trẻ con sẽ trở nên tò mò và hứng thú với việc mình có thể “đứng quầy”, tạo ra tâm lý muốn thử những thứ mới lạ.
3. Tăng sự tự tin và khả năng độc lập của con: Việc vào bếp và có thể tự mình hoàn thành công việc, bất kể đó là công việc đơn giản hay phức tạp, đều mang lại một cảm giác tích cực và củng cố niềm tin của trẻ vào bản thân mình. Khi còn là trẻ con, chúng ta không có quá nhiều sự lựa chọn với những điều chúng ta có thể/không thể làm, đa số công việc và giới hạn hành vi đều được chỉ dịnh bởi người lớn, nên việc vào bếp cùng bố mẹ và được khuyến khích làm những điều mới mẻ sẽ là nền tảng cho sự tự tin và độc lập của con bạn những năm đầu đời.
4. Thấu hiểu & biết ơn: Đây là một khía cạnh mà Helen cho là cực kì quan trọng trong sự hình thành tính cách của một con người. Khi bé được tự tay vào bếp nấu ăn, bé sẽ được trải nghiệm trực tiếp quá trình biến từ nguyên liệu ra thành phẩm, qua đó bé sẽ học được những bài học nền tảng của cuộc đời như input = output (tạm dịch công sức = thành quả), sự tôn trọng dành cho công sức mình bỏ ra và quan trọng nhất là lòng biết ơn đối với công sức của người khác. Đây là những bài học sẽ theo con đi suốt cuộc đời.
5. Giúp con phát triển óc sáng tạo: Bếp núc và tính chất mix-and-match (phối hợp) của nó sẽ là một môi trường hoàn hảo cho bé thỏa sức chơi đùa với óc sáng tạo của mình. Thỉnh thoảng, chính Helen còn bị bất ngờ bởi cách bé Phở sử dụng nguyên liệu trong khi đang nấu ăn với mẹ.
Trên đây là 5 lý do Helen nghĩ rằng bạn nên vào bếp cùng con sớm nhất có thể, không chỉ vì sự phát triển toàn diện của con, mà đó còn là những dịp để gia đình quây quần và cùng nhau chia sẻ một công việc nhiều ý nghĩa. Helen tin rằng những ký ức đầu đời về việc nấu nướng cùng bố mẹ sẽ là hành trang đi theo con suốt cuộc đời, và con người chúng ta để lại gì cho nhau nếu không phải là những di sản và những kỷ niệm đẹp?
Chúc các bạn một ngày chủ nhật an lành bên gia đình
Helen.
Helen Le
Bài viết liên quan
Leave a Reply Cancel reply
You must be logged in to post a comment.
MỘT CHÚT VỀ HELEN
Từ năm 2011, Helen bắt đầu chia sẻ các video hướng dẫn cách nấu các món ăn Việt Nam trên các trang mạng xã hội để giúp những người yêu thích ẩm thực có thể tự nấu những món ăn Việt tại nhà một cách đơn giản, nhanh chóng và chuẩn vị nhất. Helen cũng là tác giả của nhiều đầu sách nấu ăn bán chạy phát hành cho thị trường trong nước và quốc tế.