NHỮNG MÓN CHÈ TUỔI THƠ

Mấy đứa bạn Helen thỉnh thoảng gặp nhau ngồi ôn lại kỷ niệm xưa, bảo nhớ nhất những ngày còn nhỏ là cảm giác nôn nao, ngóng trông, thấp thỏm đợi mẹ đi chợ về. Tiếng bước chân mẹ càng gần, niềm háo hức càng trào dâng. Trong chiếc giỏ đi chợ của mẹ, khi thì có bịch chè đậu đen, khi thì bịch chè bắp, chè thập cẩm… Bịch chè nào cũng be bé, ăn xong vẫn thòm thèm.

Còn Helen thì nhớ như in những ngày học cấp 2. Sau khi tan trường, điểm đến quen thuộc của Helen và đám bạn là quán “chè chồm hổm” trên đường về nhà. Chè chồm hổm là những quán chè lề đường, đặc trưng bởi những chiếc ghế con thấp tè. Cả người bán lẫn người ăn đều ngồi lom khom trên những chiếc ghế này, thoạt nhìn cứ tưởng mọi người đang ngồi chồm hổm ăn chè chứ không phải ngồi trên ghế. Nồi chè đậu xanh, đậu ván, đậu ngự, nước cốt dừa… đủ màu bắt mắt được dàn đều quay quanh cô bán chè. Tay cô cứ thoăn thoắt múc chè, cho chút cơm dừa nạo, thêm vài hạt đậu phộng giã hơi dập. Chè nóng được múc vào cái bát con con, còn chè đá thì sử dụng ly thuỷ tinh không quá lớn, chè chỉ chiếm chừng một phần ba ly, còn lại là đá đập nhỏ. Mỗi phần chè chỉ vỏn vẹn 500 đồng, vừa ăn vừa tám đủ thứ chuyện trên đời. Những ngày tháng thiếu thốn, lại không có quá nhiều sự lựa chọn trong đồ ăn món uống khiến những ly chè chồm hổm trở thành một phần không thể nào quên trong ký ức tuổi thơ của Helen.

Tiếc thay, những quán chè chồm hổm không tên như vậy ở Đà Nẵng giờ đây cứ thưa thớt dần. Các bạn trẻ ngày nay chắc cũng không còn quá mặn mà với các thứ chè giản dị như trước – những món chè đa phần chỉ được nấu từ đậu và đường. Thay vào đó, trà sữa, bingsu Hàn Quốc hay các quán chè Thái, chè trái cây hiện đại với đủ loại topping ăn kèm xuất hiện ngày càng nhiều và trở nên phổ biến hơn đối với mọi người. Nhiều khi thưởng thức một món tráng miệng biến tấu độc đáo ở một hàng quán mới mẻ nào đó, Helen lại thèm cảm giác được cầm trên tay ly chè chuẩn vị của những ngày thuở ấu thơ.

 

 BÍ KÍP NẤU CHÈ NGON

Những ngày hè nóng nực mà cầm trên tay ly chè đá thập cẩm mát lạnh thì thật là thích ☺️ Múc một muỗng chè, cắn vào những hạt đậu được sên đường ngọt bùi vừa phải, húp một ít nước pha lẫn cốt dừa béo ngậy. Ăn đến đâu, ruột gan lại thấy sảng khoái đến đấy. Đối với Helen, mùa hè ăn chè quả là một lựa chọn tuyệt vời ☺️

Ăn chè thì lẹ nhưng để nấu ra được một ly chè thập cẩm ngon thì quả thực kỳ công. Sau nhiều lần lân la trò chuyện với mấy cô bán chè, Helen mới biết, nấu chè tuy đơn giản nhưng để nấu được nồi chè ngon cũng cần có lắm bí quyết. Dưới đây là một số mẹo nhỏ Helen học được, chia sẻ với cả nhà cùng tham khảo nhé.

 Thời điểm nào thích hợp để cho đường vào nồi chè ?

➡️ Hãy chờ đậu chín mềm rồi mới cho đường vào nhé. Nếu cho đường lúc đậu chưa mềm hẳn thì đậu sẽ bị cứng sượng ăn không ngon. Nhớ dằn thêm chút muối thì vị ngọt sẽ đằm thắm hơn đó 

Tại sao nước chè ngọt nhưng đậu thì không?

➡️ Thông thường, mọi người sẽ nấu chè với nước, sau đó lại cho đường vào. Đường và nước hoà với nhau tạo nên vị ngọt, nhưng đường lại chưa có đủ thời gian để ngấm vào hạt đậu, đặc biệt với các loại đậu có kích thước lớn như đậu ngự, đậu trắng, hạt sen v.v. Do đó, khi đậu được nấu mềm, các bạn nên chắt nước ra, ướp đậu với đường, để qua đêm; hoặc ngào đậu sơ trên lửa, rồi mới đổ nước đậu vào lại.

 Có cách nào để đậu nhanh mềm, mau nhừ?

➡️ Để tiết kiệm thời gian song vẫn có một nồi chè đẹp mỹ mãn về hình thức và trọn vẹn vị giác thì câu trả lời chính là một chút muối nở (baking soda). Hãy cho baking soda ở bước đầu tiên, khi bắt nồi đậu với nước lên bếp. Ngoài ra, để đậu không bị chát bạn có thể đun sôi 10 phút rồi đổ ra thay nước luộc đậu bằng nước mới.

 Làm sao để đậu luôn nguyên hạt, không bị nát khi nấu, nước chè cũng không bị sánh đục do bột đậu thoát ra?

➡️ Bí kíp là cho ít nước và luôn ninh đậu ở lửa nhỏ liu riu. Việc cho quá nhiều nước và đun ở lửa lớn sẽ khiến những hạt đậu phải “nhảy múa” liên tục trong nồi nước đang sôi bùng, dẫn đến việc đậu dễ nát. Sau khi đậu mềm bạn có thể châm thêm lượng nước như mong muốn nhé.

Đặc biệt, với chè đậu thập cẩm các loại, mỗi loại đậu sẽ có thời gian chín khác nhau. Tuy nhiên, thay vì nấu riêng rẽ từng loại đậu, cả nhà có thể chia thành 2 loại: đậu tươi và đậu khô để nấu chung. Đối với đậu tươi, thời gian chín khoảng 20 phút. Đối với đậu khô, thời gian chín lâu hơn, từ 30 đến 40 phút.

Helen hy vọng với những chia sẻ này, cả nhà sẽ có một mùa hè ăn chè thật sảng khoái. Đừng quên khoe thành quả với Helen nếu các bạn đã nấu thành công nhé ?