Blog Post

Các bài báo viết về Helen – Articles about Helen

Cô gái đưa ẩm thực Việt ra thế giới

ĐNO – Học ngành Quản trị kinh doanh, cô gái Lê Hạ Huyền (Helen Lê, 33 tuổi, đang sống tại Đà Nẵng) rẽ ngang, trở thành người quảng bá ẩm thực Việt đến bạn bè khắp thế giới. Sở hữu kênh Youtube Helen’s Recipes (Những công thức của Helen) với hơn 371.000 lượt người theo dõi, Hạ Huyền đã có hơn 300 công thức hướng dẫn cách nấu các món ăn Việt bằng tiếng Anh.

  • Thứ Ba, 21/11/2017, 17:17 [GMT+7] Báo Đà Nẵng
  • http://www.baodanang.vn/nguoi-da-nang/201711/co-gai-dua-am-thuc-viet-ra-the-gioi-2578745/

ĐNO – Học ngành Quản trị kinh doanh, cô gái Lê Hạ Huyền (Helen Lê, 33 tuổi, đang sống tại Đà Nẵng) rẽ ngang, trở thành người quảng bá ẩm thực Việt đến bạn bè khắp thế giới. Sở hữu kênh Youtube Helen’s Recipes (Những công thức của Helen) với hơn 371.000 lượt người theo dõi, Hạ Huyền đã có hơn 300 công thức hướng dẫn cách nấu các món ăn Việt bằng tiếng Anh.

 

Hạ Huyền khi đang sơ chế đồ ăn để chuẩn bị là video. ảnh nhân vật cung cấp.
Hạ Huyền đang sơ chế đồ ăn để chuẩn bị làm video. Ảnh nhân vật cung cấp.

Cô gái Đà Nẵng nhớ lại, những ngày du học ở Singapore mọi thứ rất tiện lợi, ra khỏi nhà là có các cửa hàng bán đồ ăn, có nhiều món châu Á nên cô không phải dành thời gian nấu nướng cho mình. Nhưng khi sang Đức, khí hậu lạnh, tại thành phố cô sống, cửa hàng bán đồ ăn Việt không nhiều, cộng với việc mỗi ngày phải ăn những món ăn Tây rất ngán nên cô đã tự vào bếp nấu ăn, bắt đầu từ những món đơn giản nhất.

Ngoài những món đơn giản đã biết, Huyền lên mạng và tìm hiểu các công thức nấu. Khi xem các trang nấu ăn của nước ngoài, Huyền thích quá và cũng ấp ủ có một kênh của riêng mình nhưng ý định đó bị “dập tắt” ngay vì lúc đó Huyền đang ở nhà thuê, bếp dùng chung với nhiều bạn nên không thể thực hiện giấc mơ của mình.

Phải đến năm 2011, sau khi khoe những bức hình chụp món ăn do mình nấu trên trang facebook cá nhân, được nhiều bạn bè vào hỏi công thức, cách nấu cụ thể, Huyền mới bắt đầu cầm máy quay để quay video đầu tiên, đó là clip hướng dẫn làm món bánh bột lọc.

“Mình phải quay đi quay lại rất nhiều lần mới thành công vì chiếc máy quay đời cũ, lại phải vừa làm vừa quay nên không thể thu âm trực tiếp. Mình quay phần hình trước, sau đó dùng điện thoại thu âm rồi ghép lại sau, ban đầu là tiếng Việt, sau có nhiều bạn bè quốc tế vào xem, hỏi thì mình lại thu bằng tiếng Anh. Không ngờ đây chính là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp nấu ăn của mình”, Huyền chia sẻ.

Từ những phản hồi tốt của người xem và được nhiều người yêu thích, Huyền chăm chỉ nghiên cứu các công thức và làm các video tiếp theo. Tuy nhiên, do chưa có các kỹ năng quay, cắt ghép, dựng video nên Huyền phải học từng chút một, có những video phải mất thời gian khá lâu để hoàn thiện.

Bên cạnh đó, lúc nấu các món ăn thuần Việt, có những nguyên liệu chỉ có ở Việt Nam, khi giới thiệu cho người nước ngoài, Huyền không đưa nguyên liệu đó vào mà tìm tòi, nghiên cứu những nguyên liệu thay thế tương đương mà vẫn giữ được hương vị của món ăn Việt.

Từ khi bắt đầu làm các video trên youtube Huyền có cơ hội được đến nhiều quốc gia trên thế giới khi các tổ chức ở nước ngoài mời Huyền tham gia thi nấu ăn, quảng bá ẩm thực…

Cô gái trẻ bày tỏ, thông qua những chuyến đi như thế mình nhận thấy ẩm thực Việt rất phong phú, đa dạng, nguyên liệu lại tươi ngon, dễ tìm, người nấu có nhiều lựa chọn trong từng bữa ăn thì tại sao mình không giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn?

Đưa ẩm thực Việt đến gần hơn với thế giới

Từ những video đầu tay được Huyền quay để chia sẻ với những bạn cũng là du học sinh như mình, các video của Hạ Huyền đã lan tỏa và được rất nhiều bạn bè quốc tế yêu thích. Để rồi, cái tên Helen Le trở thành một “hiện tượng” ẩm thực trên mạng xã hội ở một số quốc gia như Mỹ, Úc, châu Âu…

Trên kênh Youtube của Huyền một số món ăn như thịt heo quay, gỏi cuốn, phở bò, bún bò Huế… có lượt người xem rất lớn (trên 2 triệu lượt xem/video) và nhận được phản hồi, đánh giá tích cực từ người xem bởi cách làm đơn giản, tỷ lệ món ăn thành công cao. Thậm chí, những ngày còn ở Đức, nhiều người xem đã yêu cầu Huyền xuất bản các công thức này thành sách dạy nấu ăn.

Lúc đầu cô gái trẻ cũng rất băn khoăn vì bản thân chưa từng có ý định viết sách, xuất bản rồi liệu có bán được không. Tuy nhiên, khi được nhiều bạn bè động viên, Huyền đã dành hơn 6 tháng để viết công thức của 70 món ăn trong cuốn sách đầu tay với tên gọi Vietnamese food with Helen’s Recipes (tên tiếng Việt: “Món ăn Việt với Helen”).

Để viết được các công thức của những món ăn này, có những món Huyền phải nấu đi nấu lại rất nhiều lần để kiểm tra công thức chuẩn nhất. Vì viết bằng tiếng Anh, cho người nước ngoài nên có những chi tiết phải giải thích cặn kẽ, lượng cân đong, đo, đếm chính xác và có những sản phẩm thay thế phù hợp.
Bản đầu tiên của cuốn sách này viết bằng tiếng Anh và in ở nước ngoài, được bán trên trang mạng Amazon, được nhiều người nước ngoài tìm mua. Sau đó quyển sách được dịch lại tiếng Việt và nhà sách Phương Nam phát hành.

Lý giải việc chọn viết sách cũng như hướng dẫn video bằng tiếng Anh, cô gái Đà Nẵng bày tỏ mong muốn sẽ trở thành cầu nối, sứ giả để quảng bá ẩm thực Việt đến với bạn bè thế giới chứ không chỉ đơn thuần là một đầu bếp hướng dẫn cách nấu các món ăn.

Đến nay, ngoài 300 video trên kênh Youtube, cuốn sách đầu tay “Món ăn Việt với Helen”, Huyền còn có thêm 2 cuốn khác gồm Simply Pho (bản tiếng Anh, Nhà xuất bản Quarto, New York, tên tiếng Việt là “Món Phở đơn giản”) và cuốn Xì xà xì xụp (bản tiếng Việt, Nhà xuất bản Thế giới, Nhã Nam phát hành), giới thiệu các món ăn về bún, mì, miến, phở của các địa phương ở Việt Nam.

Hạ Huyền bên cuốn sách Simple Pho được xuất bản năm 2017 vừa rồi. ảnh THU HÀ
Hạ Huyền bên cuốn sách Simple Pho được xuất bản năm 2017. Ảnh: THU HÀ

Xây dựng kênh Youtube giới thiệu ẩm thực Việt cho người nước ngoài nên các món ăn đều được Huyền lựa chọn rất kỹ trước khi giới thiệu. Có một số món chế biến từ các nguyên liệu như ốc, ếch… rất ngon nhưng ở nước ngoài không có nguyên liệu, Huyền vẫn giới thiệu sơ qua để thực khách biết được sự đa dạng và phong phú của ẩm thực Việt.

Hạ Huyền cho biết, khi bắt tay vào nấu ăn rồi mới thấy, có những món ăn tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại không dễ thực hiện. Ví dụ như món bánh mì của Việt Nam. Người nước ngoài thường rất thích làm bánh mì tại nhà, nên nhiều người hỏi công thức, cách làm. Ngay bản thân Huyền cũng phải làm đi làm lại cả chục lần mới thành công, vì cũng là công thức đó nhưng nếu nhiệt độ của lò nướng, cách ủ bột không chính xác thì bánh mì khó thành công.

Điều hạnh phúc nhất với Huyền khi làm video là không chỉ được trải nghiệm với đam mê, sở trường nấu ăn mà còn là những món quà tinh thần do những người xa lạ gửi đến bạn mỗi ngày. Nhiều Việt kiều xem video nấu ăn đã cảm ơn Huyền bởi xem video xong, họ cảm thấy gần gũi với quê hương hơn.

Nhiều người nước ngoài lại mong muốn được đến Việt Nam để được trải nghiệm những món ăn đặc trưng của địa phương mà Huyền đã giới thiệu. Hay cũng có những người phản đối, thể hiện thái độ khi thấy cách xử lý nguyên liệu tươi sống ở Việt Nam không giống với những cách mà họ từng biết…

Để nuôi dưỡng tình yêu với ẩm thực, Huyền không chỉ giới thiệu các công thức nấu ăn đơn thuần mà còn dành thời gian để đi du lịch nhiều nơi dọc dải đất hình chữ S, thưởng thức các món ăn vùng miền để rồi nghiên cứu, sáng tạo, hướng dẫn lại cách nấu các món ăn đặc sản Việt cho bạn bè trong nước và quốc tế.

Trong mỗi video giới thiệu cách nấu món ăn, Huyền đều đưa vào đó các trải nghiệm du lịch ở Việt Nam để khán giả biết được món ăn đó ra đời như thế nào, ở đâu, qua đó hiểu hơn về văn hóa và lịch sử của các món ăn nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ngoài làm các video đơn thuần giới thiệu các món ăn, Huyền cũng làm các video giới thiệu riêng về trải nghiệm ẩm thực du lịch ở Việt Nam (các tour ẩm thực đường phố).

Cuối tháng 7 vừa rồi, video giới thiệu các món ăn đường phố Đà Nẵng là trải nghiệm của Huyền với blogger Travor James (người Canada) đã được rất nhiều người yêu thích và cán mốc 100.000 lượt xem chỉ sau 1 tuần (hiện nay là hơn 565.000 lượt xem).

Hiện giờ, cô gái Đà Nẵng đang làm sáng tạo nội dung cho Youtube. Ngoài công việc mỗi tuần cho ra một video dạy nấu ăn, Huyền không ngừng nghiên cứu, học hỏi để tìm ra những bí quyết chế biến món ăn của riêng mình. Vẫn là cách làm cũ, tự tay chuẩn bị từng thứ nguyên liệu, tự vào bếp nấu, dù đã có sự hỗ trợ của ekip quay phim nhưng người xem ngày một đòi hỏi nội dung cũng như hình ảnh cao hơn nên để hoàn thiện một video vẫn là cả quá trình sáng tạo không ngừng.

Cô gái Đà Nẵng cũng đang ngày một nỗ lực để nhiều người nước ngoài biết đến ẩm thực Việt hơn nữa. Trong tương lai gần, Hạ Huyền đang lên kế hoạch viết một cuốn sách về các món ăn chay, để bạn đọc quốc tế có thêm một góc nhìn mới về ẩm thực Việt.

Lê Hạ Huyền (Helen Le), từng theo học ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Quốc gia Singapore, tốt nghiệp Thạc sĩ Kinh tế tại Đại học Hamburg, Đức.Tháng 4-2017, Hạ Huyền lọt Top 4 Influence Asia Award 2017 (Top nhân vật ảnh hưởng nhất mạng xã hội châu Á) lĩnh vực ẩm thực.

Dẫn chương trình cho kênh Asian Food Channel (AFC) và VTV7 – giới thiệu ẩm thực Việt.

Top 5 cuộc thi Seoul Fusion Hansik tại Hàn Quốc (2013).

Tham gia nhiều chương trình truyền hình trong nước và quốc tế giới thiệu về ẩm thực Việt.

Nữ ‘sứ giả’ ẩm thực Việt

  • 08:02 PM – 11/02/2017 Thanh Niên Tuần San
  • http://thanhnien.vn/doi-song/nu-su-gia-am-thuc-viet-785466.html

Lê Hạ Huyền (Helen Lê) là cái tên quen thuộc trên YouTube với những video dạy nấu ăn bằng tiếng Anh, Đức, có phụ đề tiếng Việt thu hút hơn 1 triệu lượt người xem mỗi tháng.

Không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ cách làm món Việt với người Việt mà cô gái trẻ người gốc Đà Nẵng này còn giới thiệu câu chuyện ẩm thực nước mình với cả thế giới.

Ẩm thực Việt cần “quốc tế hóa”…

6 năm sống ở Đức học thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh – marketing, từ một cô gái không biết nhiều về nấu nướng, Lê Hạ Huyền đã thành một chuyên gia khi cho ra đời kênh quảng bá ẩm thực Việt lớn nhất trên YouTube mang tên Helen’s Recipes (Vietnamese Food). Sau 4 năm, đến nay kênh này đã có hơn 53 triệu lượt người xem mà chủ yếu là người nước ngoài.

“Là sinh viên sống ở Đức, mỗi ngày đều phải ăn những món Tây, thực sự rất ngán nên tôi bắt đầu tập nấu món Việt, tìm những nguyên liệu Việt ở Đức để nấu những món đơn giản nhất. Và từ đó tôi nghĩ đến chuyện chia sẻ bí quyết của mình đến những bạn sinh viên VN đang sống, học tập ở nước ngoài, sâu xa hơn là tìm cách để quảng bá rộng món ăn Việt đến với những người bạn quốc tế” – Huyền chia sẻ.

Điều khác biệt ở những clip dạy nấu ăn của Huyền là ở chỗ cô giới thiệu món ăn bằng tiếng Anh, Đức nên mức độ lan tỏa ngày một rộng hơn, và chính điều đó khiến cái tên của cô gái trẻ này trở thành một “hiện tượng” ẩm thực trên mạng xã hội.

“Ở VN có rất nhiều đầu bếp nổi tiếng, họ rất giỏi nhưng có lẽ do hạn chế về ngôn ngữ, trải nghiệm văn hóa nên cách họ làm để đưa văn hóa ẩm thực VN ra thế giới còn nhiều hạn chế, chưa có sức hút. Và tôi muốn làm tốt vai trò đó, tức là đưa ẩm thực Việt trở thành món ăn được “quốc tế hóa”.

Hơn nữa do tôi học về marketing, có vốn ngoại ngữ nên mọi thứ sẽ dễ dàng hơn. Tôi muốn bắt đầu từ những món đơn giản nhất, dễ chế biến nhất, nguyên liệu dễ tìm nhất để hướng dẫn nhiều người bạn quốc tế có thể làm món ăn VN. Và cái cách của tôi cũng “cây nhà lá vườn” thôi: tự làm món ăn, tự quay clip vì tôi nghĩ những gì thực tế nhất, gần gũi nhất sẽ dễ được tiếp nhận hơn là bóng bẩy”.

Trở về VN sau khi kết thúc việc học, Lê Hạ Huyền vẫn tiếp tục công việc làm “sứ giả” ẩm thực Việt của mình. Mỗi tuần cô up clip một món Việt nào đó vào thứ sáu. Mỗi ngày dành vài tiếng để trả lời tất cả các thắc mắc của người xem.

Cô kể: “Vừa rồi tôi làm món bún riêu cua, tôi bắt đầu bằng cách xẻ thịt một con cua sống trước máy quay, lấy gạch của nó và làm vài thao tác theo kiểu “tươi sống” vì tôi muốn người xem nhìn bằng hình ảnh thực tế. Không ngờ sau đó lại nhận sự phản ứng mạnh của rất nhiều bạn nước ngoài, đại loại: “Sao lại có thể nhẫn tâm làm thịt cua sống như thế, nhìn ghê quá…”.

Có lẽ với người nước ngoài hay những người Việt sinh sống lâu ở những quốc gia trên thế giới, họ quen với việc ra siêu thị, chọn những món được đông lạnh sẵn, thịt phi lê được làm sạch sẽ, đóng gói kỹ càng… nên họ đã sốc khi thấy tôi hướng dẫn cách lấy thịt cua sống. Tôi nói vậy để hiểu rằng muốn quảng bá về ẩm thực không chỉ là hướng dẫn bí quyết nấu một món ăn ngon mà còn cần phải tìm hiểu về văn hóa, con người ở nhiều nước trên thế giới để có thể tiếp cận họ, hướng dẫn cho họ hiểu một cách sâu sát nhất, hiệu quả nhất”.

Sách về món ăn Việt cho người nước ngoài

Mới đây Lê Hạ Huyền là 1 trong 2 đại diện của VN được kênh truyền hình AFC (Asian Food Channel) mời qua ghi hình cho chương trình nấu ăn tại nhà và phát sóng vào ngày 17.1 trên toàn thế giới. “Đây là kênh truyền hình quảng bá ẩm thực châu Á.

Tại đây tôi đã giới thiệu 3 món: mực nướng sa tế, gà xiên nướng lá chanh và bò nhúng ớt. Những món này khá đơn giản để làm nhưng lạ ở hương vị. Hầu như những món tôi quảng bá đều đơn giản cả, chỉ là mình phải làm sao để khi hoàn thành món ăn vẫn mang đậm đà hương vị Việt, đảm bảo món ăn tươi ngon”.

Không chỉ tham gia trên YouTube, Facebook, Twitter… cô gái mê ẩm thực này còn viết sách khi cho ra đời cuốn Món ăn Việt với Helen năm 2014, sách chỉ viết bằng tiếng Anh, bán trên mạng. “Nhiều người hỏi tại sao không viết bằng tiếng Việt, như tôi đã nói ngay từ đầu, tôi muốn trở thành một cầu nối, một sứ giả để quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới chứ không phải là một đầu bếp hướng dẫn nấu món ăn Việt, nên việc chọn tiếng Anh là ngôn ngữ để truyền tải cũng là điều dễ hiểu. Sau đó một số NXB ở VN muốn phát hành cuốn này nên tôi đã một lần nữa dịch ra tiếng Việt. Lần này tôi phải nhờ sự giúp sức của mẹ, mẹ tôi là giáo viên dạy văn….” – Huyền chia sẻ thêm.

Mới đây một NXB ở New York đã mời Huyền viết một cuốn sách về phở và những món bún, miến của VN. Cô gái này đã hoàn thành bản thảo, đang chờ xử lý hình ảnh và theo kế hoạch, cuốn sách sẽ được giới thiệu vào năm nay. Mê ẩm thực, hướng dẫn nấu món ăn thành thạo, nhưng viết sách về những món ăn lại là một chuyện khác không dễ dàng.

“Thật ra những kiến thức mà tôi có được chủ yếu được tìm hiểu qua mạng, sách báo. Sách về món ăn Việt thì rất nhiều. Tôi đọc, sau đó chắt lọc, chọn và bổ sung để viết về một món nào đó, có thêm cái riêng của mình, bí quyết riêng để món đó là của Helen chứ không phải của một người nào khác. Điều này cần sự trải nghiệm không chỉ ẩm thực VN mà còn phải nghiên cứu về văn hóa ẩm thực các nước khác, mà gần nhất là Hàn, Nhật, Thái Lan. Vì người đọc không chỉ có người Việt mà nhiều hơn là người nước ngoài”.

Hiện Lê Hạ Huyền đang sống ở Đà Nẵng, mỗi ngày cô đều dành thời gian nghiên cứu về những món ăn để làm clip mỗi tuần. Vẫn “chiêu” cũ: tự làm món ăn, nói bằng tiếng Anh, phụ đề tiếng Việt, tự quay, thỉnh thoảng có sự hỗ trợ của chồng, không có một ê kíp ghi hình, dàn dựng chuyên nghiệp nào cả.

“Việc tìm kiếm một ê kíp không khó nhưng tôi muốn sự chân thực, không mài giũa của mình trong hướng dẫn, như thế sẽ thu hút hơn. Vất vả một chút nhưng thực hiện nhiều thì quen. Mỗi cách làm đều có sự thú vị riêng mà. Bây giờ tôi chỉ nghĩ cách để làm sao clip của mình không đơn điệu nên ngoài phần hướng dẫn sẽ chèn thêm những hình ảnh thực tế mà tôi đã có dịp trải nghiệm, đi tìm hiểu về ẩm thực của hơn 25 nước trên thế giới”.

 

Hành trình ẩm thực của “Helen”

SVVN- Với hơn 200 clip hướng dẫn các món ăn Việt Nam, kênh YouTube Helen’s Recipes của Lê Hạ Huyền (cựu sinh viên ĐHQG Singapore, học thạc sĩ tại Đức) thu hút gần 40 triệu lượt xem. Với Hạ Huyền, đây là một hành trình của trải nghiệm và cảm xúc.

Ý tưởng từ áp lực

Trở thành người dẫn chương trình cho kênh Asian Food Channel, đối tác của kênh YouTube, Hạ Huyền đã có những thành công nhất định. Là dân học Kinh tế, Huyền cũng bất ngờ với khả năng thu hút từ các clip nấu ăn do mình thực hiện. Từ năm 8 tuổi, khi theo mẹ vào bếp, cô đã làm quen với công việc bếp núc và quãng thời gian du học xa nhà là khoảng thời cô gái trẻ buộc phải tự lập.

Hạ Huyền xây dựng kênh YouTube của mình từ những ngày căng thẳng theo đuổi chương trình học thạc sĩ tại Đức. Cô kể: “Học xa nhà, ngoài nỗi nhớ gia đình, mình thực sự nhớ những món ăn mẹ nấu. Lúc đó, mình bắt đầu tìm việc làm cho khuây khỏa. “Nấu ăn” là điều đầu tiên xuất hiện trong đầu mình lúc ấy”.

Với chiếc máy quay kỹ thuật số, Huyền bắt tay nấu những món đơn giản nhất. Tự quay, tự dựng hoàn chỉnh sản phẩm và chia sẻ lên mạng, Huyền không ngờ, đó chính là bước ngoặt. Cô nhớ lại: “Món đầu tiên mình thực hiện là bánh bột lọc. Mình phải quay nhiều lần mới ổn. Từ những phản hồi tích cực của mọi người, mình tiếp tục với nhiều sản phẩm hơn. Đến nay, 80% clip hướng dẫn của kênh Helen’s Recipes được thực hiện tại Đức. Từ các món đơn giản, như bánh bò nước dừa, chè bắp, đến các món canh chua, cá kho tộ… mình đều tìm đọc trước tài liệu về những món sẽ nấu. Ngoài ra, việc gặp gỡ những người đồng hương cũng giúp mình tích góp nhiều “bí kíp” cho việc nấu nướng. Việc này giúp bản thân mình có nhiều trải nghiệm và thoát khỏi những áp lực của việc học xa xứ”.

Hanh trinh

Không phải là đầu bếp

Đến nay, để chuyên môn hóa công việc, Hạ Huyền xây dựng hẳn một studio nấu ăn. Cô hy vọng, việc nâng cao chất lượng hình ảnh, bổ sung phóng sự tài liệu về ẩm thực đường phố Việt Nam sẽ giúp quảng bá ẩm thực nước nhà ra thế giới hiệu quả. Mỗi clip của Helen’s Recipes dài 3 đến 10 phút. Trong khoảng thời gian ngắn đó, để truyền tải hết cách thức nấu một món ăn là không hề dễ dàng.

Mỗi sản phẩm “chào đời”, cô gái Đà Nẵng phải mất nhiều tháng ròng đi thực tế. Huyền chia sẻ: “Tùy từng địa phương, mình sẽ chọn món ăn thể hiện văn hóa ẩm thực vùng đó. Với món bánh cống, mình về Cần Thơ gặp gỡ những cô lớn tuổi để tận mắt học hỏi cách nấu. Còn món bánh quẩy, mình ghé khu người Hoa ở Chợ Lớn để học cách chiên bánh. Mình nhớ nhất là chuyến đi Quảng Trị, học làm nước mắm truyền thống. Đa số khán giả của Helen’s Recipes là người nước ngoài nên mình phải tạo điểm khác biệt so với các kênh hướng dẫn nấu ăn khác. Với mỗi món, Huyền sẽ giới thiệu về truyền thống, xuất xứ của món ăn và vùng đất đó. Vào những dịp lễ, Tết, mình còn xây dựng clip trải nghiệm để mọi người biết đến lễ hội dân gian của nước mình”.

Tự bỏ kinh phí thực hiện tất cả các clip, đôi lúc, Huyền gặp những chuyện dở khóc dở cười. Khi thấy cô cầm máy quay, nhiều chủ quán tưởng Huyền học lỏm nghề hoặc nghĩ cô bạn là phóng viên viết bài về an toàn thực phẩm nên không cho ghi hình. Khi được Huyền giải thích rõ ràng, tất cả đều vui vẻ hợp tác và giúp đỡ rất nhiệt tình.

Huyền không xem mình là một đầu bếp mà là người thích trải nghiệm. Những chuyến đi, những món ăn giúp Huyền nâng cao kiến thức văn hóa. “Nhiều người hỏi Huyền, vì sao chọn ẩm thực để giới thiệu hình ảnh Việt Nam? Thời đại toàn cầu hóa, sự khác biệt văn hóa đang dần mờ đi. Tuy nhiên, mình tin ẩm thực là điều tồn tại nguyên bản và mang dấu ấn dân tộc. Ngoài món phở, mình hy vọng, sẽ có nhiều hơn nữa các món Việt được bạn bè quốc tế biết đến và yêu thích”, Hạ Huyền tâm sự.■

 

Lê Hạ Huyền theo học ngành Quản trị Kinh doanh 3 năm, tại ĐHQG Singapore. Sau đó, cô tốt nghiệp Thạc sĩ Kinh tế, tại ĐH Hamburg, Đức. Thời gian học tại Đức, Huyền bắt tay xây dựng những clip nấu ăn đầu tiên cho Helen’s Recipes, ra mắt năm 2011. Các clip hướng dẫn đều bằng tiếng Anh và có phụ đề tiếng Việt.Hạ Huyền được đánh giá là một online influencer (người có ảnh hưởng trong cộng đồng) và là tác giả của quyển sách Món ăn Việt Nam với Helen. Hiện tại, cô bạn đã hoàn thành 12 số giới thiệu các món ăn Việt cho kênh Asian Food Channel.

THUẬN TÙNG

Cô gái Đà Nẵng mang hơn 200 món ăn Việt ra thế giới

  • 09:11 26/11/2015
  • http://news.zing.vn/Co-gai-Da-Nang-mang-hon-200-mon-an-Viet-ra-the-gioi-post603182.html

Zing.vn-  Sau 4 năm phát triển, kênh Helen’s Recipe (Vietnamese Food) của Hạ Huyền có hơn 260.000 người theo dõi, hơn 200 clip món ăn khác nhau, gần 40 triệu lượt xem.

Huyền cho biết, cô đam mê ẩm thực từ năm 8 tuổi, qua những trò chơi nấu ăn với em gái khi ở Việt Nam. Sau khi đi du học tại Singapore, Đức, 8X đã dành thời gian quảng bá các món ăn đặc sản của Đà Nẵng và nhiều địa phương khác đến bạn bè quốc tế.

Một số hoạt động của Lê Hạ Huyền:

– Tác giả cuốn sách Vietnamese Food with Helen’s Recipes. Phiên bản tiếng Việt có tên: Món ăn Việt với Helen

– Dẫn chương trình cho kênh Asian Food Channel – giới thiệu ẩm thực Việt

– Top 5 cuộc thi Seoul, my new recipes tại Hàn Quốc

– Tư vấn ẩm thực cho dự án của tỉnh Hokkaido, Nhật Bản

​Em gái của Hạ Huyền là Hạ Uyên (26 tuổi). Khi Uyên đang học tập tại Nhật Bản (năm 2009) cô thường xuyên gặp những câu hỏi của bạn bè “Việt Nam có những món ăn ngon nào?”, “thành phố Đà Nẵng có món đặc sản gì?”…

Thời điểm này, hầu như chưa có một kênh thông tin chuyên biệt nào giới thiệu các món ăn Việt bằng tiếng Anh để người nước ngoài dễ tiếp cận. Từ đó, Uyên liền nảy sinh ý tưởng và bàn bạc với chị gái du học tại Đức về việc lập trang web.

Với niềm đam mê ẩm thực từ nhỏ và nỗi nhớ các món ăn dân dã ở quê nhà, Hạ Huyền cùng em gái quyết định lập trang Danangcuisine quảng bá ẩm thực Việt. Ban đầu, cả hai tập trung những món ở nơi họ sinh ra: Đà Nẵng.

Hạ Huyền và Hạ Uyên có chung niềm đam mê ẩm thực Việt. Ảnh: Danangcuisine.

Đến năm 2011, trong quá trình làm luận văn thạc sĩ ở Đức, vì gặp áp lực và mệt mỏi, Helen quyết định lập kênh YouTube, thực hiện công việc mới: làm clip hướng dẫn nấu ăn.

“Tôi khá bất ngờ khi được cộng đồng người nước ngoài thích thú và ủng hộ các sản phẩm cũng như món ăn Việt. Từ đó, tôi tiếp tục duy trì công việc này. Sau 4 năm, tôi có thể nấu hơn 200 món ăn Việt Nam” – Huyền bày tỏ. ​

Mất nhiều thời gian với món bánh mỳ

Theo Hạ Huyền, những clip ban đầu cô mất rất nhiều thời gian vì phương tiện thực hiện còn thô sơ. Việc ghi âm bằng điện thoại và lồng tiếng cũng tốn nhiều công sức.

Ban đầu, Huyền làm quen với các món ăn miền Trung, đa số là đặc sản ở Đà Nẵng vì cô am hiểu và tự tin nhất. Dần về sau, khi mọi thứ đã ổn định, cô gái muốn khán giả có cái nhìn đầy đủ hơn về ẩm thực Việt nên “lấn sân” làm cả các món miền Nam và Bắc.

“Món bánh mì Việt đã tiêu tốn của tôi mười mấy lần thử nghiệm và một số kg bột đáng kể” – Huyền hài hước cho biết món ăn gây khó khăn với cô.

Huyền kể, lúc còn ở Đức, từng sản phẩm cô đều tự làm một mình từ đi chợ, chọn thực phẩm, chế biến cho đến quay phim, lồng tiếng, hậu kỳ. Sau khi về Việt Nam, cô nhận được sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè.

Đam mê trở thành công việc chính

Trong suốt 4 năm làm clip, khoảng 3 năm đầu Hạ Huyền vẫn tiếp tục những công việc công sở như quản lý dự án, hỗ trợ kinh doanh, marketing tại Đức. Cô chia sẻ, công việc dạy nấu ăn giúp bản thân thỏa đam mê và giảm bớt áp lực cuộc sống.

Hạ Huyền cho biết, hơn 1 năm trở lại đây, cô bắt đầu dành nhiều thời gian cho đam mê vì nhận thấy tiềm năng của mạng xã hội, cũng như niềm tự hào góp phần truyền bá nét đẹp Việt Nam đến thế giới.

“Thời điểm hiện tại, làm clip dạy nấu ăn trở thành công việc chính của tôi và còn nhiều hơn thế. Bên cạnh đó, tôi còn có thêm những mối quan hệ, được mời làm show truyền hình, các hoạt động quảng bá, đại sứ và tư vấn ẩm thực…

Ngoài làm clip đăng tải trên YouTube, Hạ Huyền còn được mời tham gia làm show truyền hình, các hoạt động quảng bá… Ảnh: Instagram NV.

Với kinh nghiệm nhiều năm tìm hiểu ẩm thực Việt, Hạ Huyền cho hay, các món ăn ở đất nước hình chữ S vô cùng phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe nhưng vẫn đa hương vị. Nhiều món được tạo nên từ sự kết hợp tài tình giữa các nguyên liệu vô cùng đơn giản và dễ tìm.

Vừa qua, Huyền được kênh Ẩm thực châu Á (Asian Food Channel) mời làm loạt series giới thiệu các món ăn Việt. Đây cũng là lần đầu tiên một người Việt dẫn chương trình cho kênh truyền hình này.

Đam mê nấu ăn nhưng cô gái 30 tuổi không tự nhận mình là đầu bếp. Cô cho rằng mình chỉ là người quảng bá ẩm thực, nên tương lai sẽ cố gắng giới thiệu món ăn Việt đến nhiều nơi hơn trên thế giới và phương tiện truyền thông.

Hạ Huyền ấp ủ dự định mở một nhà hàng trong tương lại, nhưng đó vẫn chưa phải là mục đích cuối cùng của cô gái quê Đà Nẵng.

Chat với Hạ Huyền:

– Món ăn Việt nào bạn khoái khẩu nhất?

– Tôi thích mì Quảng, bún bò Huế, bún mắm nêm, bởi vì tôi là người miền Trung (cười).

– Những món nào mà bạn chưa chinh phục được?

– Hiện tại có các món nem, chả là tôi chưa thực hiện được hoàn toàn, nên vẫn chưa có clip giới thiệu các món này.

– Có ai từng không hài lòng những món bạn nấu chưa?

– Tất nhiên là có, tuy nhiên đó chỉ là số ít. Bản thân luôn luôn lắng nghe để hoàn thiện hơn chứ không thể nào làm vừa lòng tất cả mọi người.

– Bạn có định hướng nào mới cho kênh ngày càng phát triển hơn?

– Tôi vừa lập một studio mới và sẽ cho ra những sản phẩm chất lượng, chuyên nghiệp hơn.

Song Tử


 

Giảng viên trẻ gây sốt YouTube với những clip dạy nấu ăn

  • 07/11/2015 12:01
  • http://www.tiin.vn/chuyen-muc/tien/giang-vien-tre-gay-sot-youtube-voi-nhung-clip-day-nau-an.html

Tiin.vn – Khởi nghiệp bằng đam mê, phải bỏ tiền túi và không thu về lợi nhuận trong 1 thời gian dài nhưng cô gái Việt vẫn tiếp tục đầu tư thực hiện các clip hướng dẫn người nước ngoài nấu món ăn Việt.

11 năm theo học và làm việc ngành quản trị kinh doanh ở nước ngoài nhưng niềm đam mê đã thôi thúc cô gáiLê Hạ Huyền (Đà Nẵng) thành lập 1 kênh youtube hướng dẫn nấu ăn mang tên Helen’s Recipes.

Từ đam mê thành nghề tay phải

Cơ duyên đưa cô nàng đến với công việc này không chỉ vì sở thích vào bếp. Năm 2011, quá trình làm luận văn thạc sĩ ở Đức vì áp lực và mệt mỏi, Hạ Huyền quyết định thực hiện ý tưởng mình đã ấp ủ từ trước đó khá lâu: làm clip hướng dẫn nấu ăn.

Cô nàng  Lê Hạ Huyền

Từng clip Hạ Huyền đều tự mình làm tất cả các công việc từ đi chợ, chọn thực phẩm, chế biến cho đến quay, lồng tiếng, hậu kỳ… Những clip ban đầu, cô nàng đã mất khoảng 1 tháng để hoàn thành chỉ nhờ phương tiện thô sơ như việc ghi âm bằng điện thoại để lồng tiếng. Có khi chỉ vì 1 lỗi nhỏ mà clip bị ‘đập đi’ để ‘xây lại’ từ đầu cũng vì những thiết bị đã quá lỗi thời này.

Sau đó, cô lấy tiền túi để mua thêm nhiều thiết bị hiện đại hơn để nâng cao chất lượng clip mà theo cô công việc này hơn 1 năm đầu không hề mang lại thu nhập.

(Clip hướng dẫn nấu món Canh cà bung)

Trong quá trình làm việc ở Singapore và Đức, không ít lần cô nàng trở về nước đến các thành phố như Đà Nẵng và TP.HCM để ghi lại những hình ảnh tư liệu, phóng sự ngắn về các món ăn để đưa vào clip của mình. Những clip hiện tại cũng phải nấu đi nấu lại nhiều lần để có những cảnh quay thu hút và điều cực kì quan trọng là khi trở về Việt Nam cô phải chọn những món ăn có nguyên liệu không ‘thách đố’ có thể tìm thấy ở các siêu thị của người nước ngoài.

Khoảng 3 năm đầu, 8x này vẫn tiếp tục những công việc ở quản lý dự án, hỗ trợ kinh doanh, marketing… của mình tại Đức song song với đam mê thực hiện những clip này để giải tỏa stress. Hơn 1 năm nay, đây chính là công việc của cô theo đuổi khi nhận thấy tiềm năng của youtube cũng như ý nghĩa ngày càng lớn của chính những đam mê ấy.

(HÌnh: Lê Hạ Huyền là nhà sáng tạo nội dung của Youtube)

Chia sẻ về những ngày đầu ‘khởi nghiệp’, Hạ Huyền cho biết bản thân cô cũng băn khoăn, trăn trở khi về nước cũng như phát triển sở thích này. Với Hạ Huyền công việc khó nhất không phải là việc cô học nấu thêm nhiều món hay hay học quay, hậu kỳ clip mà quan trọng là việc đưa clip của mình đến những người nước ngoài để hiểu và yêu văn hóa, ẩm thực của Việt Nam.

Giấc mơ đưa món Việt ra thế giới

Nhờ thành quả của sự nỗ lực, hiện kênh Helen’s Recipes của cô nàng đã có hơn 200 video hướng dẫn cách nấu các món ăn Việt Nam với hơn 254 nghìn người theo dõi và thu hút 38 triệu lượt view. Hạ Huyền cũng vừa mới xây xong studio để sản xuất video một cách chuyên nghiệp hơn.

Với Hạ Huyền, Helen’s Recipes ở thời điểm hiện tại không chỉ là thu nhập, là sự nghiệp mà còn cho cô nhiều thứ hơn thế. Cô có thêm những mối quan hệ, cô ‘dạo chơi’ trong công việc chẳng mấy an nhàn vì đó là việc cô thích. Hơn 200 clip “ra lò” là từng đó món ăn cô tự tin mời bạn bè thưởng thức trong khi trước khi làm dự án này cô chỉ biết nấu khoảng 50 món ăn đơn giản để phục vụ nhu cầu của bản thân.

HÌnh: Hạ Huyền vào bếp và thực hiện clip của mình

Những clip của cô có khi nhận được một vài lời bình luận chưa tích cực trong một số video, vì người ta không đồng ý với cách nấu của cô. Hạ Huyền chia sẻ: ‘Đó chỉ là góp ý món ăn đó thôi, chứ không có ai chê bai công việc quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới của mình cả. Còn cách nấu thì cũng chín người mười ý mà, đâu thể nào làm vừa lòng tất cả mọi người’.

Khi được hỏi về dự định tương lai của mình, Hạ Huyền khẳng định cô nhìn thấy tương lai và cơ hội của youtube và công việc cô đang làm. Cô cũng tiết lộ công việc hướng dẫn nấu ăn của mình giúp cô đủ sống. Ngoài ra, cô còn trải nghiệm công việc kinh doanh tự do và giảng viên thỉnh giảng.

Cô gái xinh đẹp Lê Hạ Huyền với giấc mơ đưa ẩm thực Việt ra thế giới đang nỗ lực từng ngày với đam mê và sự nghiệp của mình. Hiện nay, đa số người theo dõi kênh Helen’s Recipes là người nước ngoài, trong đó Mỹ chiếm 50%, Việt Nam 30%, còn lại là các quốc gia khác. Sự ủng hộ của người xem trên kênh youtube đang dần chứng minh sự thành công của nhà sáng tạo nội dung nữ xinh đẹp của Youtube.

Theo Minh/Baodatviet.vn


 

Cô gái Việt gây sốt YouTube vì dạy nấu ăn bằng tiếng Anh

ictnews – Thành lập kênh Helen’s Recipes trên YouTube hơn 4 năm, đến nay, Lê Hạ Huyền đã có một gia tài khá đồ sộ với hơn 200 clip hướng dẫn nấu ăn trên kênh và thu hút trên 38 triệu lượt view.

Là một nhà sáng tạo nội dung nữ duy nhất có mặt trong chương trình chào mừng sinh nhật YouTube Việt Nam, Lê Hạ Huyền khá nổi bật với bề ngoài xinh xắn, giọng nói dễ nghe và đặc biệt là một thành tích ấn tượng không thua kém bất kỳ một nhà sáng tạo nội dung nam nào. Kênh YouTube của cô hiện có hơn 254 nghìn người theo dõi với trên 38 triệu lượt view.

Hạ Huyền chia sẻ: “Thực ra lúc đầu Huyền cũng không phải là người am hiểu nhiều về ẩm thực. Tuy nhiên, với sự yêu thích và đam mê lĩnh vực này, mình đã tìm tòi và cố gắng học hỏi rất nhiều để có thể đáp ứng được sự “tò mò” của bạn bè và những người theo dõi kênh Helen’s Recipes”. Đồng thời, Huyền cũng chia sẻ, ngoại trừ việc phải thường xuyên tìm tòi các món mới, thử nghiệm các món ăn mới cũng như tìm hiểu thêm về văn hóa, ý nghĩa đằng sau những món ăn dân tộc thì Huyền cũng phải tìm hiểu thêm rất nhiều về công nghệ để thực hiện đam mê này của mình. “Tôi phải học cách dựng clip, chỉnh sửa video, lồng tiếng, phụ đề, lên hình… Tóm lại là rất nhiều thứ lỉnh kỉnh khác để cho ra đời những video có chất lượng, đảm bảo người xem dễ dàng theo dõi và làm theo”, Huyền chia sẻ.Thuộc thế hệ 8X, Lê Hạ Huyền làm quen với YouTube từ khá sớm. Trong thời gian du học tại nước ngoài, Huyền thường xuyên được bạn bè quốc tế hỏi thăm về văn hóa Việt Nam mà đặc biệt là các món ăn Việt. Vì vậy, Huyền nảy ra ý định hướng dẫn cách chế biến một vài món ăn tiêu biểu với bạn bè. Và clip nấu ăn đầu tiên ra đời vào năm 2011. Đến nay, sau thời gian hoạt động 4 năm, Huyền đã có hơn 200 clip hướng dẫn với 200 món ăn Việt từ đơn giản đến phức tạp.

Cô cũng cho biết, đôi khi để có một clip hoàn chỉnh cô phải nấu đi nấu lại một món nhiều lần để ghi hình: “Do chỉ có một mình nên thường tôi cho ghi hình tự động. Vì vậy, nhiều lúc xem lại thấy hình ảnh bị mờ vì hơi nước, khói…trong quá trình nấu nướng hoặc góc quay bị lệch thì tôi phải làm lại từ đầu để thay thế cảnh quay đó”.

Do khi bắt đầu thực hiện kênh Helen’s Recipes, Huyền chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu ẩm thực Việt của bạn bè quốc tế cũng như để thỏa mãn cơn thèm món ăn quê nhà của mình, do đó, hầu hết các món Huyền hướng dẫn khá gần gũi, dễ tìm nguyên liệu ở các hệ thống siêu thị trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, khả năng ngoại ngữ cũng là một trong những thế mạnh của Huyền. “Các kênh hướng dẫn nấu món Việt khá nhiều, tuy nhiên hầu hết các video do Việt Kiều hoặc người nước ngoài tại Việt Nam trình bày thì thiếu sự am hiểu về ẩm thực Việt. Còn ngược lại, do người Việt thực hiện lại ít có phụ đề tiếng Anh nên người nước ngoài cũng khó thực hiện. Vì vậy, Helen’s Recipes dung hòa được hai yếu tố đó: truyền thống và hiện đại”, Huyền chia sẻ.

Có lẽ chính vì sự am hiểu cũng như quan tâm đến nhu cầu của đối tượng người theo dõi nên kênh Helen’s Recipes chiếm được nhiều cảm tình của bạn bè quốc tế. Hiện nay, đa số người theo dõi kênh Helen’s Recipes là người nước ngoài, trong đó Mỹ chiếm 50%, Việt Nam 30%, còn lại là các quốc gia khác.

Với sự phát triển mạnh của kênh Helen’s Recipes, Huyền cùng em gái đã mở thêm một webiste giới thiệu ẩm thực Đà Nẵng. Đồng thời, mới đây Huyền cũng đã ra mắt cuốn sách hướng dẫn nấu ăn đầu tiên của mình. Năm ngoái, cô đã quyết định trở về Việt Nam phát triển sự nghiệp quảng bá ẩm thực Việt của mình.

Là một người tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh tại nước ngoài lại quyết định về nước thực hiện đam mê của mình khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ. Câu hỏi đặt ra là liệu thu nhập từ YouTube có đủ để nuôi sống bản thân mình và làm giàu hay không? Đối với câu hỏi này, Hạ Huyền chỉ đơn giản trả lời: “Đủ. Mặc dù thu nhập từ YouTube không cao và không ổn định nhưng cũng đủ cho tôi trang trải cuộc sống của mình. Tuy nhiên, cái được nhất khi tôi mở kênh Helen’s Recipes không phải là nguồn thu nhập từ YouTube mà là những giá trị khác, to lớn hơn.
Đó chính là mối quan hệ. Hiện nay, nhờ kênh YouTube tôi được khá nhiều bạn bè quốc tế biết đến với tư cách một người quảng bá ẩm thực Việt. Rất nhiều kênh truyền hình nước ngoài đề nghị hợp tác thực hiện các show ẩm thực như kênh truyền hình Hàn Quốc, Nhật Bản… Bên cạnh đó, các nhãn hàng, các nhà tài trợ cũng đề nghị tài trợ kênh…”

Từ một ý định đơn giản ban đầu với sự đam mê cùng những cố gắng nỗ lực bền bĩ, Helen’s Recipes đang dần dần trở thành một thương hiệu ẩm thực có uy tín trong và ngoài nước. Vì thế, Hạ Huyền quyết định sẽ tiếp tục dành toàn bộ công sức để phát triển trên YouTube. Kế hoạch của cô là sẽ xây lại studio hiện đại hơn để thực hiện những clip hoàn chỉnh và chuyên nghiệp hơn, tiếp tục quảng bá văn hóa Việt, ẩm thực Việt đến với bạn bè quốc tế.


Cô gái Đà Nẵng mang ẩm thực Việt ra thế giới

  • Cập nhật: 27/08/2015 09:13:02  
  • http://m.cadn.com.vn/news/co-ga-i-da-na-ng-mang-a-m-thu-c-vie-t-ra-the-gio-i-136718-114

(Cadn.com.vn) – Tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh của một trường đại học ở Đức nhưng cô lại trở thành đầu bếp chuyên chỉ dẫn công thức ẩm thực Việt Nam được hàng triệu người theo dõi trên toàn thế giới. Đó là hành trình kỳ lạ của cô gái trẻ Đà Nẵng với cái tên Helen Lê.

Ảnh: Helen Lê (bìa trái) trở thành gương mặt nổi tiếng về quảng bá ẩm thực Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Với nhiều người, cái tên Helen Lê thật xa lạ, nhưng với những tín đồ ẩm thực Việt Nam trên khắp thế giới, thì cái tên đó rất nổi tiếng bởi cô là người sáng lập ra kênh quảng bá ẩm thực Việt lớn nhất trên trang mạng YouTube mang tên Helen’s Recipes (Vietnamese Food) với gần 150 nghìn lượt người đăng ký theo dõi và hơn 35 triệu lượt xem. Có tên Việt là Lê Hạ Huyền nhưng mọi người vẫn gọi cô là Helen Lê, bởi “gọi với cái tên Huyền thì chẳng ai biết em vì mọi người quen gọi là Helen Lê rồi”–Helen Lê cười giải thích. Helen Lê kể, khi học xong cấp 3 ở Đà Nẵng, cô nhận được học bổng của trường Đại học Quốc gia Singapore, ngành Quản trị – kinh doanh và marketing. Sau đó cô tiếp tục sang Đức để học lên thạc sĩ và tại đây Helen Lê đã rẽ một hướng đi khác mà cô không ngờ đến.

“Qua Đức học, không quen món ăn nơi đây nên mình đã nấu các món ăn Việt. Ban đầu chỉ nấu những món đơn giản thôi, chứ đâu biết nhiều công thức của các món khác, tuy nhiên bạn bè nước ngoài đều khen ngon và khuyến khích nấu”– Helen Lê kể. Từ lúc đó, Helen Lê đã nghĩ đến việc thực hiện các đoạn phim ngắn giới thiệu về ẩm thực Việt Nam với bạn bè. Ý tưởng là vậy, nhưng không dễ thực hiện, bởi Helen Lê lo cách làm của mình không cuốn hút hay giọng nói không dễ nghe, nhưng trên hết là chưa biết nhiều về các món ăn Việt Nam. “Đắn đo mãi cuối cùng mình cũng quyết định thực hiện một video clip về món ăn Việt. Món đầu tiên là bánh bột lọc, mình phải quay đi, quay lại nhiều lần mới hoàn thành. Vì chủ đích là giới thiệu món Việt với bạn bè nước ngoài nên mình dùng tiếng Anh để giải thích cách thức chế biến và chia sẻ đoạn phim này lên trang YouTube”–Helen Lê kể lại.

Clip bánh bột lọc đặc trưng ẩm thực Việt của Helen Lê được người xem tán thưởng, làm theo và thành công ngoài tưởng tượng, tạo động lực để Helen Lê thực hiện nhiều clip khác. Đến nay Helen Lê đã thực hiện hơn 200 clip cách chế biến món ăn Việt được hàng triệu người trên thế giới hâm mộ. Trong mỗi clip, Helen Lê đều chỉ dẫn cặn kẽ từng chi tiết, biến những cái phức tạp thành đơn giản, nhưng vẫn giữ được hương vị truyền thống của món ăn Việt. Mỗi khi thực hiện một clip nào đó Helen Lê dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm tòi cách chế biến hiệu quả. Chính những điều đó đã lôi cuốn người xem, khuyến khích họ làm món Việt, làm nên thành công cho trang quảng bá ẩm thực của Helen Lê.  “Điều vui nhất là sau mỗi clip, nhiều người đã làm theo và chụp ảnh gởi lại cho mình để khoe. Vừa rồi mình có dịp qua Australia, khi biết tin này rất nhiều người đến tìm gặp. Trong đó có một anh chàng người Australia, nấu các món ăn Việt mang đến để mình xem có ngon không. Anh này còn dẫn theo người yêu là người Việt Nam và chia sẻ rằng, thường xuyên xem chương trình của mình thực hiện và vì mê món ăn Việt nên quyết tâm yêu một cô gái Việt Nam. Những chuyện như vậy càng tạo cho mình niềm vui, động lực để tiếp tục công việc” – Helen Lê chia sẻ.

Có nhiều, rất nhiều thư phản hồi của người xem gởi cho Helen Lê, thể hiện niềm vui khi chế biến và thưởng thức món ăn Việt. Như chuyện cô gái Hàn Quốc có chồng Việt Nam kể – “Mối quan hệ giữa tôi và mẹ chồng không được tốt. Nhưng từ khi tôi được các bạn hướng dẫn nấu các món Việt Nam thì mọi chuyện tốt hơn hẳn, tôi và mẹ gần nhau qua những buổi vừa xem phim của các bạn vừa cùng nấu ăn”.

Để có những đoạn phim về ẩm thực Việt, thu hút hàng triệu người theo dõi, Helen Lê mất nhiều thời gian, công sức và không ít kinh phí. Bây giờ trang mạng ẩm thực Việt Nam giúp Helen Lê có thêm kinh phí từ quảng cáo để đầu tư thiết bị, mua nguyên liệu nấu ăn. Không chỉ bằng lòng với việc thực hiện các đoạn video clip, Helen Lê còn viết sách, chỉ dẫn cách nấu các món ăn Việt. Trong một thời gian ngắn, hơn 1.000 cuốn đã được bạn đọc trên khắp thế giới mua và hiện sách cũng được xuất bản bằng tiếng Việt. Helen Lê tâm sự: “Khi đi du học, tôi nghĩ mình sẽ làm việc cho một công ty nào đó, rồi thăng tiến dần. Nhưng ẩm thực Việt đã cho tôi một con đường khác, mở ra nhiều cơ hội. Bây giờ rất nhiều nước như Hàn, Nhật mời tôi đến để quảng bá ẩm thực của nước họ. Tuy nhiên hằng tuần tôi vẫn có phim giới thiệu ẩm thực Việt Nam. Không giống như ngày trước phải quay trong nhà bếp của ký túc xá, bây giờ tôi đã đầu tư thiết bị, không gian để thực hiện chuyên nghiệp hơn. Tôi mong muốn quảng bá ẩm thực Việt và để bạn bè thế giới hiểu về văn hóa và truyền thống của Việt Nam”.

Hoàng Anh



Helen Le – cô gái 8x với giấc mơ đưa món Việt ra thế giới

  • Đăng ngày Thứ tư 22/07/2015 07:03
  • http://dep.com.vn/Gia-dinh/Helen-Le-co-gai-8x-voi-giac-mo-dua-mon-Viet-ra-the-gioi/38073.dep
logoNói đến cộng đồng “Youtube cooking channels” – các kênh Youtube chuyên về nấu ăn, thật khó bỏ qua cái tên Helen Le. Trong những năm gần đây, kênh Youtube của Helen, tên thật là Lê Hạ Huyền, người Đà Nẵng đã trở nên hết sức quen thuộc với nhiều chị em nội trợ trong và ngoài nước.
Tên thật: Lê Hạ Huyền
Hiện đang sống tại: Đà Nẵng
Nghề nghiệp: Kinh doanh và giảng viên đại học

Cách đây 6 năm, hai chị em Lê Hạ Uyên (Summer) và Lê Hạ Huyền đã cùng nhau lập một blog rồi website nhằm giới thiệu về ẩm thực Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung với bạn bè thế giới trong thời gian cả hai đang du học ở nước ngoài. Sau đó, năm 2011, Hạ Huyền bắt đầu lập kênh trên Youtube lấy tên là Helen’s Recipes chạy song song cùng trang web danangcuisine.com. Cho tới nay, cô đã đưa lên kênh hơn 200 clip món ăn khác nhau, trong đó, chủ yếu là món ăn Việt.

Hiện nay, Hạ Huyền đã trở về Việt Nam, cô vừa kinh doanh, vừa làm công việc của một giảng viên đại học lại vừa tìm tòi, nghiên cứu những công thức món ăn mới để chia sẻ với bạn bè khắp thế giới về ẩm thực Việt. Điều thú vị là, tất cả các clip của Hạ Huyền đều được dẫn dắt bằng tiếng Anh, phụ đề tiếng Việt rất dễ theo dõi.

Helen Le, Helen's recipes, Lê Hạ Huyền, chủ nhân danangcuisine, blogger ẩm thực, youtuber

Hạ Huyền phát triển kênh Youtube riêng của mình từ năm 2011 tới nay

Tôi không sợ bị cạnh tranh

– Tôi tò mò muốn biết Helen học nấu nướng từ đâu vậy?

– Lúc nhỏ mẹ dạy Helen làm các món căn bản. Sau này đi du học thì nhớ các món Việt Nam quá nên mình lên mạng tìm tòi và tự tập nấu dần dần thôi.

– Trước khi lập một kênh Youtube cũng như trang web riêng, bạn có bao giờ nghĩ mình lại được chú ý nhiều đến vậy?

– Lúc mới bắt đầu làm, mình cũng mong là sẽ có nhiều người biết đến kênh và website của mình. Đến bây giờ, kênh của mình trở nên khá phổ biến và mình cũng được chú ý hơn.

– Đã có ai từng chê cười những gì bạn đang làm hay chưa?

– Mọi người đều ủng hộ, nhất là các khán giả của kênh. Thỉnh thoảng có một vài lời bình luận tiêu cực trong một số video, vì người ta không đồng ý với cách nấu của Helen, nhưng chỉ là cho món ăn đó thôi, chứ không có ai chê bôi công việc quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới của mình cả. Còn cách nấu thì cũng chín người mười ý mà, đâu thể nào làm vừa lòng tất cả mọi người.

– Helen có mục tiêu gì cho kênh của mình trong thời gian sắp tới không?

– Hiện Helen mới xây xong studio và muốn sản xuất video một cách chuyên nghiệp hơn. Mình muốn nâng cao chất lượng hình ảnh và bổ sung thêm nhiều phóng sự tài liệu để đưa hình ảnh món ăn đường phố của Việt Nam ra thế giới nhiều hơn nữa.

– Rõ ràng, hiện nay việc lập trang web hay Youtube để kiếm tiền đang là xu thế, Helen có thấy lo sợ khi bị “cạnh tranh” không?

– Cái hay của Internet và cả Youtube là càng đông càng vui. Càng nhiều người làm thì khán giả càng có nhiều tư liệu để xem và so sánh. Cho nên, Helen không quan tâm nhiều đến sự “cạnh tranh”. Helen rất mong có thêm nhiều bạn đam mê và tâm huyết với ẩm thực Việt lập ra nhiều kênh khác nữa để khán giả có cái nhìn đa chiều hơn.

Hạ Uyên (áo vàng bên trái) em gái của Hạ Huyền cũng đam mê ẩm thực và thường xuyên viết những bài review rất thú vị lên trang web

Lập kênh Youtube là để quảng bá ẩm thực Việt

– Động lực đâu mà bạn lại làm và giới thiệu những món ăn Việt lên kênh Youtube vậy?

– Mình thấy ẩm thực Việt rất tuyệt vời, nhưng việc quảng bá ra quốc tế còn chưa được đầu tư đúng mức. Ở châu Âu, châu Mỹ người ta biết nhiều về ẩm thực Nhật, Thái, Hàn, nhưng biết rất ít về ẩm thực Việt, trong khi nền ẩm thực của chúng ta thực ra phong phú và thú vị đâu kém.

– Tại sao bạn chọn ẩm thực, chứ không phải là một cái gì khác để quảng bá cho văn hóa quê hương?

– Theo mình ẩm thực là tấm gương phản ánh chân thực nhất không chỉ văn hóa mà cả điều kiện sống và lịch sử của một đất nước.

Với thời đại toàn cầu hóa như bây giờ thì các lĩnh vực như thời trang, kiến trúc… cũng dần mờ đi sự khác biệt giữa các nước. Khi vào trung tâm mua sắm ở các nước, mọi thứ trông đều như nhau, chỉ có vào khu ẩm thực thì bạn mới biết được bạn đang ở nước nào.

Helen Le, Helen's recipes, Lê Hạ Huyền, chủ nhân danangcuisine, blogger ẩm thực, youtuber

Với Helen, ẩm thực Việt không hề thua kém các nước khác

– Tính đến nay, bạn đã làm bao nhiêu món Việt?

– Hiện trên kênh Helen’s Recipes của mình có trên 200 videos hướng dẫn cách nấu các món ăn Việt Nam.

– Trong những món bạn từng làm, bạn thích nhất món nào?

– Helen thích mì Quảng, bún bò Huế, bún mắm nêm, chắc tại vì Helen là người miền Trung đó (cười).

– Theo bạn, đặc trưng của ẩm thực Đà Nẵng – quê hương bạn là gì?

– Chân chất nhưng đậm đà hương vị.

– Có những món nào mà bạn còn chưa chinh phục được?

Helen Le, Helen's recipes, Lê Hạ Huyền, chủ nhân danangcuisine, blogger ẩm thực, youtuber

Món bánh da lợn mà Hạ Huyền đã từng chia sẻ với bạn đọc Đẹp Online

– Hiện tại có các món nem, chả là mình chưa chinh phục được hoàn toàn, nên vẫn chưa có video cho các món này, hi hi.

– Vậy món nào là “khó nhằn” nhất trong những món mà bạn đã từng chia sẻ?

– Món khó nhất đối với mình là bánh mì Việt Nam. Mình làm khoảng vài chục lần mới ra được ổ bánh mì trông giống như ngoài hàng đó. Vì ngoài lò bánh mì người ta có các phụ gia và thiết bị chuyên dụng, khi làm ở nhà với các nguyên liệu thường, mình phải “đau đầu” hơn.

Helen Le, Helen's recipes, Lê Hạ Huyền, chủ nhân danangcuisine, blogger ẩm thực, youtuber

Để có được công thức bánh mì chuẩn, Helen đã phải thử nghiệm rất nhiều

– Hiện Helen có những ai giúp đỡ trong quá trình làm việc?

Trước giờ ở nước ngoài thì một mình Helen làm tất cả từ đi chợ, nấu ăn, quay phim, dựng phim đến lồng tiếng và đưa lên mạng. Từ lúc về Việt Nam thì mẹ cũng hay đến giúp Helen một số công đoạn.

– Helen nghĩ thế nào khi món Việt rõ ràng rất tuyệt vời nhưng mà người nước ngoài thường biết rất ít, trừ món phở?

– Đó chính là trăn trở của mình trong thời gian dài và việc lập kênh Youtube Helen’s Recipes là một bước làm của mình để quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới.

– Bạn nghĩ phải làm thế nào để món Việt có thể vươn xa hơn?

– Thì mình phải tiếp tục quảng bá nhiều hơn chứ sao. (cười)

 Trân trọng cảm ơn Helen, chúc bạn chinh phục được thật nhiều những món ăn ngon!

Bài: Long Trần


 

Cô gái với kênh video riêng dạy nấu món ăn Việt

VNExpress- Mỗi món ăn Helen (bút danh của Lê Hạ Huyền) thường tập nấu vài lần với những công thức khác nhau. Sau đó, cô chọn cách nấu đơn giản mà đem lại mùi vị thơm ngon nhất để làm video chia sẻ với mọi người.

Hình: Lê Hạ Huyền trong một cuộc thi nấu ăn tại Nhật Bản, do chính phủ Nhật Bản mời để quảng bá ẩm thực Nhật Bản với thế giới – Ảnh: NVCC

Bắt đầu đăng tải các video dạy nấu ăn trên Youtube từ năm 2011 bằng tiếng Anh, có lời phụ đề tiếng Việt hoặc Đức, hiện nay kênh dạy nấu ăn của Lê Hạ Huyền đã có hơn 240.000 lượt người theo dõi thường xuyên. Trong đó, 50% người xem sống tại Mỹ, khoảng 20% sống tại Việt Nam, còn lại là ở các nước Canada, Đức, Australia… Nhiều món ăn như Heo quay, Gỏi cuốn thu hút hàng triệu lượt xem và bình luận.

Hàng ngày, Huyền phải dành khoảng 2 giờ đồng hồ để trả lời các câu hỏi cũng như bình luận của người xem trên tất cả các trang mạng xã hội mà cô chia sẻ các công thức nấu ăn như Youtube, Facebook, Twister… hay email. Mỗi tuần, cô gái 31 tuổi đều đăng một video hướng dẫn.

Là chị cả trong gia đình có hai chị em gái, từ lúc 7, 8 tuổi Huyền đã được mẹ hướng dẫn nấu một số món đơn giản. Tuy nhiên, cô chỉ thực sự tập trung vào nấu nướng kể từ ngày du học tại châu Âu. Năm 2008, Huyền sang Đức học thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh – Marketing. Ngán ngẩm với các bữa ăn chỉ có bánh mì và khoai tây, trong khi các quán ăn Việt Nam không nhiều và khá đắt đỏ, Huyền bắt đầu vào bếp thường xuyên, với nguyên liệu từ các siêu thị châu Á.

Để nấu được món yêu thích, Huyền mày mò lên mạng tìm kiếm các công thức hướng dẫn. Cô phát hiện có rất nhiều kênh dạy nấu ăn của các nước thu hút đông đảo người xem. Vốn học ngành Marketing, Huyền cũng tham vọng muốn lập một kênh giới thiệu ẩm thực của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Ban đầu, chỉ là những clip thử nghiệp, đăng lên mạng để khoe bạn bè. Sau đó, Huyền có các video chuyên nghiệp hơn. Những ngày đầu tiên, Huyền một tay nấu, một tay cầm máy quay. Chiếc camera cũ, chất lượng hình ảnh thấp, lại còn rung, cô gái dành dụm tiền mua một cái kệ kê máy. Khi có điều kiện, Huyền bắt đầu nâng cấp thiết bị. Một mình làm chủ nhà bếp, vừa nấu vừa quay, để có một video ưng ý, nhiều món Huyền phải quay đi quay lại nhiều lần. Còn để có một công thức nấu ưng ý, Huyền cũng phải nấu thử món ăn nhiều lần theo những công thức cô học được qua sách và trên mạng, sau đó chọn ra công thức nấu đơn giản nhất mà kết quả khiến cô hài lòng nhất để chia sẻ với mọi người.

Năm ngoái, Huyền đã trở lại Việt Nam, quyết định sống và làm việc ngay tại quê nhà Đà Nẵng. Về nhà, cô vẫn tiếp tục đăng các video quảng bá món ăn Việt ra toàn thế giới trên Youtube. Công việc này đem lại cho cô nguồn thu nhập lớn và ổn định hơn các công việc part-time cô đang làm như tình nguyện viên, giới thiệu du lịch ẩm thực Đà Nẵng, kinh doanh và giảng dạy tại Đại học FPT.

Nhờ các video dạy nấu ăn, Huyền có thêm nhiều bạn bè trên khắp thế giới. Cô gái cảm thấy rất vui khi nhận được những tâm sự của các bạn trẻ Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, cho biết nhờ xem video mà họ có kết nối với nguồn gốc của mình nhiều hơn. Không chỉ giới thiệu cách nấu các món ăn, Huyền còn diễn giải tại sao người Việt nấu món đó, và ăn món ăn đó trong hoàn cảnh nào. Cũng nhờ các video nấu ăn trên mạng mà Huyền đã được Nhật Bản và Hàn Quốc mời tham gia các cuộc thi nấu ăn của họ để quảng bá ẩm thực của nước chủ nhà ra toàn thế giới.

Xem thêm:

Video Huyền hướng dẫn làm món Thịt heo quay

Hướng dẫn làm món kho quẹt

Kim Anh



 

2 chị em bưng mâm cơm Việt ra thế giới

  • http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/620115/2-chi-em-bung-mam-com-viet-ra-the-gioi.html
  • Chủ nhật, 27 Tháng bảy 2014, 16:37 GMT+7

Tuổi Trẻ – Sau 4 năm dốc sức, Hạ Huyền trở thành người sáng lập kênh quảng bá ẩm thực Việt lớn nhất trên YouTube mang tên Helen’s Recipes (Vietnamese Food) với hơn 20 triệu lượt xem.

Sau những năm đi học tại Singapore, Đức, Nhật, Úc, hai chị em sinh ra tại TP Đà Nẵng Lê Hạ Huyền (Helen Lê, 30 tuổi) và Lê Hạ Uyên (Summer, 26 tuổi) đã quyết định dành thời gian quảng bá các món ăn đặc sản của Đà Nẵng và nhiều địa phương khác đến bạn bè quốc tế.

Sau 4 năm dốc sức, Hạ Huyền trở thành người sáng lập kênh quảng bá ẩm thực Việt lớn nhất trên YouTube mang tên Helen’s Recipes (Vietnamese Food) với gần 150.000 lượt người đăng ký theo dõi và hơn 20 triệu lượt xem, chủ yếu là người nước ngoài. Còn Hạ Uyên là chủ nhân website danangcuisine.com ghi lại những cảm nhận, bình luận các món ăn với khoảng 20.000 lượt truy cập mỗi ngày.

Đà Nẵng có gì ăn ngon?

Năm 2009, Hạ Uyên đang học quản trị kinh doanh tại Đại học Châu Á Thái Bình Dương (Nhật Bản), Uyên thường xuyên nghe những câu hỏi “Việt Nam có món ăn gì đặc sắc?” hay “Đà Nẵng có món gì ngon?”.

Lúc này gần như không có những trang web giới thiệu món ăn Việt bằng tiếng Anh. Uyên liên lạc với chị gái Hạ Huyền đang học thạc sĩ tại Đại học Hamburg (Đức) bàn việc lập website.

Sau hơn năm năm trải nghiệm trong môi trường sinh viên quốc tế, Hạ Huyền cũng gặp không ít câu hỏi tương tự. Vậy là hai chị em bắt tay lập trang mạng quảng bá món ăn Việt Nam, đầu tiên là những món ăn ở nơi họ sinh ra: Đà Nẵng.

Lê Hạ Huyền (trái) và Lê Hạ Uyên học cách làm bánh căn tại Đà Lạt - Ảnh: Mai VinhLê Hạ Huyền (trái) và Lê Hạ Uyên học cách làm bánh căn tại Đà Lạt. Ảnh: Mai Vinh

Hạ Uyên với kỹ năng dịch thuật Anh ngữ tốt nhận lập blog (đến năm 2011 thì chuyển sang website) viết cảm nhận món ăn và giới thiệu điểm đến là những quán ăn bình dân, nhiều quán không bảng hiệu. Đến năm 2011, Hạ Huyền tham gia cùng người em bằng việc mở kênh YouTube, cô quay phim hướng dẫn mọi người cách chế biến món ăn và đưa lên mạng.

“Tìm lại phần cuộc đời bị đánh mất”

Trong việc hướng dẫn người nước ngoài cảm nhận và chế biến món ăn, Uyên bảo: “Chúng tôi chủ yếu chế biến các món đơn giản để người nước ngoài có thể học theo. Nhưng có một số món chúng tôi phải đầu tư hơi cầu kỳ, đúng điệu để người xem thấy thú vị, họ có thêm hứng thú đến Việt Nam”.

Từ đầu năm 2014 đến nay, các kênh thông tin ẩm thực của hai chị em Huyền, Uyên có thêm khoản thu quảng cáo, nhưng những năm trước đó họ phải dùng tiền túi để nuôi chúng. Huyền và Uyên nhắc đến những câu chuyện đã trở thành động lực cho hai chị em – để cứ đúng hẹn lại có bài viết hoặc phim xuất hiện trên YouTube, trang web. Adele Hoang Diep là một cô gái gốc Việt 16 tuổi, đang sống tại Mỹ và được nhận nuôi từ khi mới lọt lòng đã viết email gửi cho Hạ Huyền vào năm 2012:

“Em cảm thấy một phần cuộc đời mình là một bí mật, mối liên hệ với quê hương dù em cố tìm lại vẫn không tìm được. May mắn, khi em biết kênh thông tin ẩm thực của các chị và em đã làm theo. Em thấy thật thoải mái như mình tìm được một phần cuộc đời bị đánh mất”.

Một email khác, cô gái người Hàn Quốc có chồng Việt Nam thổ lộ: “Mối quan hệ giữa tôi và mẹ chồng không tốt, có lẽ do khác biệt văn hóa. Nhưng từ khi tôi được các bạn hướng dẫn nấu các món Việt Nam thì mọi chuyện tốt hơn hẳn, tôi và mẹ gần lại qua những buổi vừa xem phim của các bạn vừa nấu ăn.

Tôi cảm nhận sự khác biệt văn hóa có thể giải quyết bằng những món ăn các bạn ạ”. Những email chân thành đã khiến chị em Huyền cảm động, Huyền bảo: “Mình không thể ngừng việc đang làm dù lắm lúc nghĩ mình bao đồng, và tốn quá nhiều thời gian đáng lẽ nên dành để làm việc và kiếm tiền”.

Tour ẩm thực Đà Nẵng và sách dạy nấu ăn

Hiện Uyên đã về Việt Nam. Thông qua mạng Internet, du khách nước ngoài biết đến Huyền và Uyên ngày càng nhiều. Để tăng tương tác với người xem các trang ẩm thực của mình và có thêm chi phí, Uyên mở tour ẩm thực Đà Nẵng cho người nước ngoài.

Sau giờ đi làm, cô nhận đưa khách đi ăn ở những hàng quán vỉa hè khắp Đà Nẵng. “Nhiệm vụ của tôi không phải làm sao cho khách ăn cảm thấy ngon miệng mà là hiểu được chuyện thú vị ẩn sau món đang ăn” – Uyên nói.

Mới đây, một vị khách từ Úc đến gặp Uyên và mang theo một tập giấy in những bài viết của Uyên, có cả địa chỉ quán ăn. Ông nói: “Tôi thường đến Đà Nẵng và không khó để tìm đường đi ăn, nhưng tôi muốn cô kể tôi nghe chuyện ăn ở Việt Nam”.

Uyên đưa vị khách ấy ra góc ngã tư đường ăn xôi gà và kể với ông câu chuyện người Việt luôn tôn kính tiền nhân, dành hai thức ấy để cúng giỗ… Cứ như thế, Uyên kể cho những đoàn khách câu chuyện ẩn đằng sau các món mắm hải sản, món bánh bèo, bánh chén, bánh nậm… Uyên bảo:

“Để có vốn kể mình phải đọc sách về văn hóa và tìm gặp những người già hiểu chuyện. Câu chuyện của họ đơn sơ nhưng hồn hậu và theo tôi là đúng nhất về món ăn Việt”.

Còn Hạ Huyền tiếp tục làm việc tại Đức nhưng mỗi năm cô đều dành hết quỹ ngày phép về Việt Nam, đi ăn khắp nơi để quay phim món ăn. Trong những ngày tháng 7 này Huyền đang ở Việt Nam, chuẩn bị tư liệu thực hiện cuốn sách hướng dẫn người nước ngoài nấu món Việt. Huyền nói: “Tôi muốn thu hút bạn bè quốc tế đến Việt Nam bằng việc làm họ hiểu món ăn Đà Nẵng và Việt Nam”.

Theo Mai Vinh/ Tuổi trẻ


YouTuber Đà Nẵng đưa ẩm thực, văn hóa Việt tới gần hơn với thế giới

Voice of America – Chính thức ra mắt vào tháng 5/2011, Helen’s recipes, kênh YouTube dạy nấu các món ăn Việt Nam hiện đang thu hút được nhiều sự chú ý. Chỉ sau khoảng một năm rưỡi, cô gái Đà Nẵng Helen Lê, người sáng lập kênh YouTube vừa kể đã chính thức trở thành một YouTube partner – đối tác chính thức của YouTube. Sau khoảng ba năm hoạt động, giờ đây kênh Helen’s recipes đã có khoảng 136,000 subscribers (người đăng ký theo dõi nhận các video mới nhất). Các video được tải lên thu hút tổng cộng khoảng 18 triệu lượt xem và đặc biệt, đối tượng người xem đến từ nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ, Úc, Canada, Việt Nam… Helen’s recipes đã ra đời như thế nào và tại sao kênh YouTube này nhận được nhiều sự đón nhận từ đông đảo người xem như vậy?

Người ta thường nói ‘một bức hình bằng cả một ngàn lời nói’ và đối với Helen Lê, ‘một video bằng cả một ngàn bức hình như vậy.’ Helen Lê, cô gái Đà Nẵng đang làm việc cho một công ty marketing tại Hamburg, Đức, đồng thời là chủ nhân kênh YouTube Helen’s recipes đã nói như vậy khi được hỏi tại sao lại chọn hướng dẫn nấu các món ăn Việt Nam qua video, một việc dường như mất nhiều thời gian hơn là viết công thức nấu ăn ra và đính kèm theo các bức hình như nhiều trang blog vẫn làm. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần trong câu trả lời của cô mà thôi:

“Tại vì mình lười viết (cười…) Mình cũng thấy là có nhiều blog các anh chị chụp hình rất đẹp. Có rất nhiều blog viết bằng tiếng Việt còn blog tiếng Anh cũng có nhưng mà không nhiều lắm. Những blog tiếng Anh là của những người sinh ra ở nước ngoài thì những bài viết của người ta nó không đậm chất Việt Nam, còn những blog của Việt Nam thì hình ảnh rất đẹp nhưng lại viết bằng tiếng Việt, vì thế mà người nước ngoài không đọc được. Ngoài việc truyền đạt được hình ảnh cách làm (món ăn) một cách cụ thể, nó còn truyền đạt được tính cách của người viết. Đó là cách mà mình muốn tiếp cận gần gũi hơn với khán giả xem những video của mình. Nó không chỉ là chia sẻ món ăn, cách làm món ăn, mà nó còn chia sẻ thêm văn hóa của Việt Nam.”

Vốn thích nấu ăn từ nhỏ và sau này cũng theo dõi thường xuyên các kênh dạy nấu món ăn Hàn Quốc, Nhật trên YouTube, trong khi viết luận văn thạc sĩ ở Đức, Helen đã chọn cách nấu ăn, quay lại những video hướng dẫn nấu, và tải lên facebook chia sẻ với bạn bè như là một cách để xả stress. Những video ban đầu của Helen được thực hiện một cách khá thô sơ vì cô nói lúc mới bắt đầu, cô chưa biết một chút gì về làm video:

 “Lúc đó mình chỉ dùng chương trình Windows Movie Maker, thu âm cũng chỉ bằng một chiếc điện thoại linh tinh, quay phim bằng một chiếc máy bác mình bỏ không dùng nữa, rất là cũ. Lúc đó mình chọn nói bằng tiếng Việt vì khi thu mình phải nói liên tục một lần thôi, nhưng mà sau đấy mình muốn giới thiệu món ăn đến người nước ngoài cho nên mình thu bằng tiếng Anh. Nói chung lúc mình bắt đầu thì mình không biết bất cứ một cái gì hết. Mình chỉ biết là mình thích nấu ăn và mình muốn chia sẻ niềm đam mê đó thôi, còn những cái khác thì đều là vừa học vừa làm.”

Đối với Helen, sự khó khăn khi sản xuất những video như vậy không chỉ nằm ở vấn đề kỹ thuật mà còn là sự khác biệt trong các nét văn hóa ẩm thực ở Việt Nam:

“Ban đầu mình chỉ làm những món mình tự tin nhất, tức là những món của Đà Nẵng như bánh bột lọc hay gì đó. Còn sau này mình mới bắt đầu mở rộng ra và làm thêm những món Hà Nội hay Sài Gòn…Cũng hơi run tại vì chẳng hạn như các bạn ở Hà Nội thì khá là khắt khe với ẩm thực của Hà Nội, còn những người ở miền Nam thì nếu những người khác làm món đấy hơi khác một tí cũng ok, nhưng mà ở Hà Nội thì nó như thế là phải như thế. Chỉ cần khác đi một chút thì sẽ là không đúng. Lâu lâu có những bạn vào góp ý thì mình cũng đón nhận những ý kiến đó. Nhưng mà có những món như bún thang thì rất ít người biết đến, mình nghĩ là cũng nên thoải mái hơn một tí thì những người ở vùng miền khác hay nước khác thì người ta có thể đón nhận món ăn của mình dễ dàng hơn.”

Tuy nhiên, ngay cả đối với một người Việt Nam nấu ăn nhiều như Helen cũng gặp phải những ‘ca khó’ khi nhiều người xem đưa ra yêu cầu hướng dẫn những món ăn không mấy dễ khi thực hiện ở nhà:

“Có những món mình làm rất nhanh, còn có những món phải học rất lâu, chẳng hạn như món bánh mì (cười.) Mình không hiểu tại sao người ta muốn làm bánh mì tại vì lúc ở Việt Nam thì cứ đi ra ngoài mua chứ không bao giờ nghĩ tới chuyện là một ngày nào đó mình sẽ làm bánh mì. Mình rất thuần kiểu Việt Nam là chỉ nấu nướng chứ không làm bánh. Tại vì có rất nhiều người yêu cầu nên mình cũng muốn xem thử là làm bánh Việt Nam như thế nào. Kết quả là mình làm khoảng mấy chục lần (cười)…ăn bánh mì hoài luôn. Tới lúc làm ra được cái bánh mì thì mới là ăn bánh mì còn trước đó chỉ là ăn những cái giống bánh mì thôi chứ không phải là bánh mì (cười.)”

Không chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn nấu những món ăn nổi tiếng, đậm chất Việt hay tùy theo yêu cầu, Helen còn ‘thử thách’ tinh thần của người xem qua hai video những món ăn mà đối với người phương Tây, là khá kì quặc, thậm chí có phần ‘kinh dị’:

“(cười) Video đầu tiên mình làm thì mình giới thiệu trứng vịt lộn với ốc. Trước khi tải lên thì mình cũng rất run, không hiểu là tải lên rồi sẽ bị như thế nào đây, có thể sẽ bị mọi người vào phê bình hay gì đấy. Khi mình post lên video đầu tiên đó thì mọi người lại nói là mấy món đó bình thường mà, có gì đâu mà sợ. Đến video thứ hai thì mình giới thiệu những món có vẻ hơi ghê hơn một tí thì mình cảm thấy cũng có nhận được khá nhiều phản hồi không tốt cho lắm. Lúc đầu thì mình cũng chỉ quay chọc chơi thôi, nhưng cũng có một số bạn vào bình luận hơi gay gắt thì lúc đó mình cũng có hơi chột dạ. Có một số bạn góp ý là có lẽ nên giới thiệu những món hơi kinh dị một tí nhưng kèm theo lời giải thích tại sao người Việt ăn những món đấy. Mình thấy ý đó cũng rất hay. Ví dụ mình ăn những món như là rươi của miền Bắc, trông nó rất ghê, nhưng mà nó rất bổ cho sức khỏe. Đúng là mình nên đề cập đến những yếu tố đấy để người ta hiểu là tại sao mình ăn những món đấy, chứ không phải là để người ta ghê tởm mình về món đấy. Mình làm thì cũng chỉ để chơi chơi cho vui thôi, cũng không nghĩ kỹ lắm. Mình rút kinh nghiệm và có thể là ở video thứ ba, mình sẽ đi theo hướng đó và mình nghĩ đó cũng là một cái hay. Nhưng mà bây giờ cũng sẽ hơi căng thẳng một tí khi mà giới thiệu những video như vậy.”

Theo Helen, ẩm thực Việt Nam đa dạng đến mức mà khi một người bạn của cô hỏi chừng nào sẽ thôi không làm video nữa, cô trả lời rằng ngay cả khi làm video thứ 500 cũng không thể nào làm hết các món ăn của Việt Nam được, cô chỉ biết nói rằng cô sẽ dừng chừng nào cạn ý tưởng mà thôi. Còn hiện tại, cô đang phát triển kênh YouTube của mình theo hướng du lịch kết hợp với ẩm thực:

“Bây giờ mình muốn phát triển kênh của mình theo hướng mình đi du lịch, mình ăn món đấy và mình thử nấu lại theo vị mà mình được ăn. Mình cũng muốn giới thiệu, ghép thêm một số cảnh mà mình ăn món đấy..tức là có trải nghiệm món đấy ở Việt Nam để người xem có thể thấy một phần nào đó cái văn hóa ẩm thực của Việt Nam.”

Không thần tượng một đầu bếp nào đó, không có ý định mở nhà hàng riêng, không nghĩ tới việc trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp, cũng không nhận bản thân mình là một người nấu ăn giỏi, tất cả những video mà YouTuber người Đà Nẵng Helen Lê đã và đang thực hiện chỉ đơn giản xuất phát từ sở thích nấu ăn của bản thân. Nhưng quan trọng hơn, thông qua những video chỉ kéo dài vài phút trên kênh Helen’s recipes của mình, Helen hy vọng có thể giúp một người nước ngoài yêu thích món ăn Việt, hoặc những bạn trẻ gốc Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, chưa từng có dịp thử những món ăn đậm chất Việt ở Việt Nam, khi nhìn vào những món Việt Nam vốn rất phức tạp sẽ có suy nghĩ rằng ‘món ăn trông vừa ngon vừa dễ như thế thì chắc bản thân mình cũng làm được.’ Và đó chính là cách mà cô giới thiệu văn hóa Việt Nam đến với người xem của mình.

Hồng Hoa


CÔ GÁI ĐƯA BÁNH XÈO, BÚN MẮM RA THẾ GIỚI

Tiền Phong – Không chỉ giới thiệu món ăn Đà Nẵng với bạn bè năm châu qua website ẩm thực song ngữ Anh-Việt, cô gái 26 tuổi Lê Hạ Uyên còn mở Food tour – du lịch ẩm thực độc đáo.
Hạ Uyên trên tờ Weekend Weekly. Ảnh: Thanh Trần
Hạ Uyên trên tờ Weekend Weekly. Ảnh: Thanh Trần

Bánh xèo, mít trộn…ra thế giới

Hạ Uyên là cựu sinh viên hai trường đại học nước ngoài: Đại học Châu Á Thái Bình Dương (Nhật Bản) và Đại học Quốc gia Úc, chuyên ngành Quản trị kinh doanh. 4 năm học ở Nhật và 1 năm học ở Úc, cô nhận được câu hỏi từ những người bạn ngoại quốc: “Nếu về Đà Nẵng quê bạn, chúng tôi sẽ ăn món gì?”.

Uyên gõ tìm trên mạng, thời điểm cách đây 5 năm, hầu như không có một trang tiếng Anh nào viết về ẩm thực Đà Nẵng. Vậy là ý tưởng về một website giới thiệu tất cả món ngon quê hương hình thành trong đầu.

Đầu tiên Uyên lục lại menu món ngon của Đà Nẵng, rồi tỉ mỉ viết về nguồn gốc, ý nghĩa của từng món, ăn ở đâu, ăn như thế nào bằng song ngữ Anh-Việt.

Hạ Uyên chia sẻ: “Trước hết mình phải làm cho họ hiểu về nguồn gốc, giá trị từng món ăn. Bởi vậy, không chỉ vận dụng vốn từ vựng mình có mà còn phải tham khảo thêm nhiều trang ẩm thực, học thêm nhiều từ ngữ về chuyên ngành này để bài viết đầy đủ, hấp dẫn”.

Cuối cùng, trang ẩm thực của Uyên cũng ra đời vào cuối năm 2009 với tên danangcuisine.com, thu hút hàng ngàn lượt view và comment tích cực của du khách trong và ngoài nước.

Có động lực, cô du học sinh càng say mê, mỗi ngày sau giờ lên lớp, Uyên lại vùi đầu viết, dịch và nhờ cả người thân ở nhà đi chụp ảnh gửi sang làm hình minh họa. Đến nay đã được 5 năm, Uyên đã hoàn thành khóa học, trở về Việt Nam và vẫn duy trì trang web của mình.

Cả trăm món ăn Đà Nẵng được cập nhật với hình ảnh chân thực, giới thiệu và hướng dẫn kĩ càng. Uyên còn cùng chị gái quay lại clip về cách chế biến từng món để du khách thấy ẩm thực Đà Nẵng kì công và phong phú như thế nào.

Cũng nhờ Uyên, tờ Weekend Weekly (Hồng Kông) đã có bài viết sinh động về du lịch và ẩm thực Đà Nẵng dài đến 20 trang, trong đó dành riêng 2 trang phỏng vấn Uyên. Hay tờ New York Time, cũng lấy Uyên làm nhân vật xuyên suốt trong câu chuyện ẩm thực Đà Nẵng ở bài viếtIn Da Nang, Vietnam, Looking to the Future.

Uyên hào hứng: “Ngày mở web, mình chỉ mong nó như là một cuốn sổ tay để du khách có thể tìm kiếm món ăn cho tiện lợi, không ngờ bây giờ, mít trộn, ốc hút, bún mắm…dân dã quê mình lại bước ra thế giới một cách tự nhiên và tự hào đến vậy”.

Food tour giới thiệu bản sắc quê nhà

Nhiều khách nước ngoài khi đến Việt Nam, Đà Nẵng đã liên hệ để gặp cho bằng được Summer Le (nick name của Uyên), và nhờ cô dẫn đi… ăn. Họ chỉ muốn đi cùng người đáng tin cậy và am hiểu về Đà Nẵng.

Đáp ứng nhu cầu đó, Uyên mở Food tour – du lịch ẩm thực và làm hướng dẫn viên rong ruổi cùng khách nước ngoài đến từng hẻm hóc thưởng thức ẩm thực. Mỗi tour kéo dài 2-4 giờ, với các thực đơn có sẵn, cũng có thể linh động khi khách yêu cầu thêm hoặc bớt món.

Điểm đến không phải là những nhà hàng sang trọng, cũng không phải những quán vỉa hè để đảm bảo vệ sinh, mà là những quán ngon bình dân có uy tín nhiều năm như bánh xèo bà Dưỡng, bún mắm bà Xuân, chè Xuân Trang… với giá cả hợp lí. Khi ăn, Uyên giới thiệu cho họ món ăn xuất xứ từ đâu, ăn sao cho “đúng bài” nên khách nước ngoài rất thích thú.

Cũng từ món ăn, Uyên dẫn họ đi vào những bản sắc riêng của người Đà Nẵng, kể cho họ nghe những thăng trầm biến cố mà Đà Nẵng đã kinh qua và giới thiệu những đổi thay từng ngày ở mảnh đất này. “Làm chút gì đó cho quê hương, không chỉ là đóng góp, mà còn khẳng định tuổi trẻ của mình không hề vô nghĩa”, Uyên chia sẻ.


 

Cựu nữ sinh Đà Nẵng nấu ăn ngon lên truyền hình Hàn Quốc

  • 19:43 24/11/2013
  • http://news.zing.vn/Cuu-nu-sinh-Da-Nang-nau-an-ngon-len-truyen-hinh-Han-Quoc-post371597.html

Zing.vn – Cựu nữ sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) bất ngờ được Đài truyền hình Hàn Quốc làm phóng sự riêng về khả năng nấu nướng của mình.

Từng là nữ sinh đình đám của Đà Nẵng với hàng loạt giải thưởng lớn nhỏ, Lê Hạ Huyền tiến thẳng vào ngôi trường danh giá hàng đầu thành phố – THPT Chuyên Lê Qúy Đôn. Năm 2003, cô gái 8X đi du học, hành trang của cô là những clip quảng bá hình ảnh quê hương, rồi bất ngờ 10 năm sau, cô được Đài truyền hình Hàn Quốc “nhớ mặt đặt tên” trong một clip giới thiệu sau khi đạt được giải thưởng lớn tại cuộc thi ẩm thực được tổ chức tại nước này.

Không quên một chữ Việt nào

“Huyền đi du học từ năm 2003, đến nay đã ở nước ngoài được 10 năm (5 năm ở Singgapore, 5 năm ở Đức). Năm nào Lê Hạ Huyền cũng cố về thăm nhà ít nhất một lần. Mỗi lần về là thấy quê hương thay đổi rất nhiều, đặc biệt là Đà Nẵng mỗi lúc một xinh đẹp hơn”, cô gái trẻ mở đầu câu chuyện bằng việc giới thiệu bản thân.

Ảnh: Lê Hạ Huyền (thứ 3 từ trái sang) sở hữu hàng loạt clip quảng bá du lịch Việt với góc quay, hình ảnh chân phương nhưng cũng vô cùng đẹp mắt.

Khác với nhiều bạn trẻ từng đi du học, trong buổi trò chuyện gần như không “lai tạp” một từ nước ngoài nào, Hạ Huyền thậm chí còn không nói “Thanks”, “Bye” mà thay vào đó là ngôn ngữ thuần Việt.

Hạ Huyền từng tốt nghiệp cử nhân kinh tế ĐH Quốc gia Singapore, Thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh tại ĐH Hamburg (Đức). Tuy nhiên, điều cô để lại dấu ấn với bạn bè nước ngoài và giới trẻ Đà Nẵng là những clip quảng bá hình ảnh, du lịch Việt.

Từ một dân nghiệp dư, Hạ Huyền tự mày mò kĩ thuật và thực hiện cho mình những clip về đất nước, con người Việt. Chính cách xử lý đơn giản của Huyền, chinh phục không ít người xem khi giữ được nét bình dị và vẻ đẹp tự nhiên của hồn quê Việt Nam trong các clip của mình.

Hạ Huyền tâm sự lúc đầu chỉ quay các clip đó để lúc nào nhớ nhà thì mở ra xem, rồi đăng tải lên Youtube với hy vọng những người con xa quê như cô có cơ hội nhìn ngắm quê hương nhiều hơn. Rồi bất ngờ các clip này nhận được sự hoanh nghênh của cộng đồng mạng, đặc biệt là với các phượt thủ nước ngoài.

Nhiều người phản hồi rằng cảm xúc của họ được thăng hoa khi nhìn thấy một Việt Nam yên bình và tươi đẹp. Từ một tay ngang, Hạ Huyền đã trở thành một “hướng dẫn viên du lịch” thực thụ, cô cho rằng đó cũng là cách thể hiện tình yêu quê hương khi đang phải ở một nơi xa xôi.

Lên truyền hình Hàn Quốc nhờ biệt tài nấu nướng ngon lạ

Trong cuộc thi nấu ăn toàn cầu Seoul Fusion Hansik năm 2013 với chủ đề Seoul, my new recipe (Seoul, món ăn mới của tôi – PV) được tổ chức trong tháng 9 vừa qua, mỗi thí sinh tham dự thực hiện một video nấu món ăn có công thức kết hợp giữa món ăn Hàn Quốc và nước mình, sau đó tải lên YouTube.

Lê Hạ Huyền đã chinh phục Ban giám khảo khi chế biến món gỏi cuốn bò Hàn Quốc: kết hợp từ món Bulgogi Hàn Quốc và gỏi cuốn Việt Nam. Xuất sắc vượt qua 117 video trên toàn cầu, cô gái 8X Đà Nẵng lọt vào Top 5 thí sinh xuất sắc nhất.

Ảnh:  Hạ Huyền thứ 2 từ phải sang trong trang phục truyền thống Hàn Quốc.

Cùng những người bạn đến từ: Canada, Mỹ, Malaysia, Đức, Trung Quốc, Hạ Huyền đã có một cuộc hành trình 5 ngày đến Seoul tham dự vòng chung kết. Huyền chia sẻ: “Thực ra đây là một sự kiện để quáng bá ẩm thực Hàn Quốc nhưng mình cũng muốn nhân dịp này giới thiệu đến bạn bè quốc tế món ăn Việt Nam”. Huyền kể khi ở Việt Nam, cô hay được mẹ dạy cho một số món ăn cơ bản nhưng vì du học bận rộn nên thỉnh thoảng Huyền mới được “trải nghiệm” cảm giác nấu nướng.

“Huyền rất nhớ các món ăn Việt Nam nên phải lên mạng tìm tòi công thức, rồi tập nấu theo. Sau đó mê nấu ăn luôn. Có rất nhiều món lúc ở Đà Nẵng mình chưa bao giờ được ăn. Thế là Huyền tập nấu cả các món Huyền không biết, để ăn thử xem có ngon không. Không ngờ… ngon thật”.

Sau khi lọt vào top 5 “siêu đầu bếp” trong cuộc thi Seoul, my new recipe, cô gái trẻ Đà Nẵng được Đài truyền hình nước này làm clip và giới thiệu – lần đầu tiên một 8X Việt Nam xuất hiện trên truyền hình Hàn Quốc với lĩnh vực mới mẻ.

Thực tế cho thấy ẩm thực Việt rất màu sắc và cuốn hút nhưng số người biết đến các món ăn của Việt Nam vẫn còn khá hạn chế.

Lê Hạ Huyền tâm niệm ẩm thực cũng là một đặc sắc văn hóa riêng của quê hương mình nên Huyền muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Huyền bắt đầu lập kênh Youtube cho riêng mình, giới thiệu các món ăn Việt bằng tiếng Anh (phụ đề tiếng Việt). Huyền đã duy trì kênh được 2 năm, giới thiệu được 100 món ăn Việt Nam. Hiện tại đã có hơn 10 triệu lượt xem và hơn 67.000 người theo dõi.

Theo Đất Việt


null

ASIALIFE- Helen and Summer Le are the unofficial representatives of Vietnamese cuisine in Da Nang. Through their food websitedanangcuisine.com, a successful YouTube channel, and their ‘Funtastic Da Nang’ food tours, cookery lessons and hostel, these women are helping to put their city, and their country’s dishes, on the map. Elijah Ferrian sat down with Helen in her hometown to discuss how the sisters got started. Photo bydanangcuisine.com

How did you both get involved with creating all this content about food? What are your backgrounds?
It’s kind of a mystery! My sister and I both studied abroad. We both did our bachelors in different countries, and eventually I studied for my masters in Germany and worked in the marketing field. We both studied international business. I don’t know that we ever imagined spending this much time writing and talking about food.

What roles do you and your sister take on?
So, we kind of started out splitting up the type of work we do. We both have our ‘specialties’; I handle the cooking side of things, I do a lot of the YouTube channel content, recipes, showing people different techniques. I also try to give as much of the historical background behind each dish so that there’s an engaging story. I don’t want to just show people how to cook, I want to make people excited about the food in general. My sister (Summer) handles the reviews side. She’s the one going to restaurants, trying a lot of different food and compiling these great guides on where to eat for people that are unfamiliar with Da Nang.

Why did you decide to start the website?
I was living and studying in Germany and my sister was doing the same in Australia. We were both constantly getting asked by all of our friends about what to eat in Vietnam, why they should go to Da Nang, etc. After while we realised that there wasn’t a whole lot of authentic information on the internet, especially if you don’t speak Vietnamese. So we decided that, instead of individually answering all of these questions, we should just compile all of this great insider info about Vietnam into one website. We wanted to be able to expose people to our home (Da Nang), because we truly feel that it is one of the greatest cities to live and eat in. It became more and more apparent that many people have visited Da Nang in the past, and have never really thought to come back because there just wasn’t a lot here, even just six years ago. There has been so much change, and there is so much history to tell through food and exploration that the website and channel have turned into a lot more than just your average cooking segment or restaurant review.

When you talk about this change in Da Nang, what do you want people to know about?
That my city may have previously been a place that travellers would only quickly stop by to visit My Son, or to brush up on their American War history, but now there is so much more to do here. There are phenomenal restaurants here, authentic Hue cuisine, Thai, American, almost anything you can think of. There’s a giant amusement park, there’s the beach, a great relaxed cafe culture, and so much history to explore on a motorbike ride into the mountains in either direction. I could go on, but my sister does a great job at providing the opportunity to experience the true culture of the city in her Funtastic Da Nang Food Tours. She also runs a hostel in the oldest part of the city.

What was your goal initially for the website and the channel? Obviously you wanted it to take off and become a popular source of information for people traveling Vietnam, and Da Nang specifically. I’m sure you had no idea that it would become what it is currently.
Of course when you are promoting something you want it to become popular and we definitely wished for this to happen. It requires a lot of passion and persistence on both of our parts, but we love doing it. The more I make all of these different dishes and record the recipes, the more I rekindle my love with the whole process of cooking. Over 250 dishes, and a lot of these are recipes I never would have taken on if I didn’t have people to share them with, whether online or at home with friends and family. Like the Vietnamese baguette – making it from scratch, why would you do that when you can buy one for really cheap? I did it, though! It was hard too! Everyone that makes baguette has their own secret recipe, and they are usually very guarded about the details. I make all of these very specific things. It’s such a learning experience. I want to give people an overall view of Vietnamese cuisine. I want people to see all of the aspects of tons of different dishes, and it challenges me. It’s always good to be challenged.

Would you say that there are some misconceptions about Vietnamese food?
Yes! Obviously everyone knows pho and banh mi, but these should, in my opinion, not be the measurements of Vietnamese cuisine. The true Vietnamese dish is bun. I rarely eat pho, but I eat bun like twice a day. I tell every foreigner that asks me about food in Vietnam that if you haven’t been to Hue, then you haven’t had the best dishes this country has to offer. There is historical proof of why this is the case as well. Back when Hue was the home of the king, the best cooks would hone and perfect their signature dishes to impress him. This created a concentration of authentic, highly executed, delicious meals. Bun has a richer, deeper history than pho, and I like to highlight these historical aspects as much as possible in our content. This is also why I love to cook for my friends that aren’t from here. I make them a dish that they’ve never had before, and if they love it, it generally encourages them to be a bit more adventurous, to try things that are unfamiliar.

What are your goals for the future?
Well, this all began because of our passion for food and pride in our culture. I think initially we just really wanted to get the word out about the place we grew up in and how amazing it can be. It’s not like the website or channel is making us rich [laughs]. We do it because we love it, and fortunately it has allowed us to really carve our niche in being ambassadors for Da Nang and Vietnamese cuisine. For me, that is precisely what I would love to be. I want to be a media representative for Vietnamese food and culture, and to cross over to TV. There is such a strong cultural attachment to food and hospitality in Da Nang, and Vietnam as a whole. I think that it’s just been a development of learning how to showcase it properly. When I watch cooking shows from the West, oftentimes it feels that the presenter is, kind of, disconnected from the culture of the food because they are not a local. It’s not possible for them to be immersed in all of the history, ingredients, and dishes every day. Many people come to Vietnam to experience the food that they’ve heard about, but I think travellers need to understand that Da Nang is a great representation of a destination with many ‘hidden gems’ that unfortunately don’t get as much coverage as they should.


Bringing Vietnamese cuisine to the world

  • OCTOBER 10, 2015 BY NHANDAN
  • http://www.vietnambreakingnews.com/2015/10/bringing-vietnamese-cuisine-to-the-world/

NDO – Le Ha Huyen, also known as Helen Le, a MBA student at the University of Hamburg in Germany, is the founder of the largest channel featuring Vietnamese food on YouTube, called Helen’s Recipes (Vietnamese Food). The Da Nang-born girl’s channel has attracted millions of views around the world

After finishing highschool in Da Nang, Ha Huyen received a scholarship of from the National University of Singapore. She then went to Germany to study for her MBA. Helen Le shared that she often receives questions about the specialties of Vietnam. For this reason, she decided to create a website on Vietnamese cuisine, and most importantly, the food of her hometown Da Nang.

In 2011, she started her YouTube channel, where she posts video clips guiding foreign viewers on how to cook these dishes. After sharing the first video on ‘Banh Bot Loc’ (Vietnamese clear shrimp and pork dumpling), she received a lot of encouragement. Currently, she has shared over 200 videos on Vietnamese foods at Helen’s Recipes (Vietnamese Food), one of YouTube’s most popular channels featuring Vietnamese cuisine, and garnering more than 35 million views and nearly 150,000 subscribers, mostly foreigners. All clips are in English with sub-titles.

Before uploading a clip, Helen Le spends a lot of time researching preparation of the dish. Her clips feature not only how to cook dishes, but also the secrets of keeping the traditional taste of Vietnamese foods, making Helen Le’s channel a big success.

“The happiest thing is that after posting clip, many people followed my advice and sent photos of their food”, Helen Le shared. In 2012, Adele Hoang Diep, a 16-year-old American of Vietnamese origin who was adopted right after being born, sent Helen Le an email that read: “I thought a part of my life was a big mystery but seeing your recipes made me feel like I found my lost world.”

When Helen has visited Australia, she met an Australian man whose girlfriend is Vietnamese, and said Helen Le’s clips made him love Vietnamese food even more.

Helen Le often comes to the RoK and Japan to promote Vietnamese cuisine and learn more about the cuisine of other countries. She joined a cooking contest called Seoul Fusion Hansik held in Korea in 2013 and was among the top five best chefs. She was filmed by the channel Today Korea thanks to her unique recipe that combined Vietnamese spring rolls with RoK’s beef salad.

Besides videos on Vietnamese food, Helen Le also wrote book. Her book collection named ‘Vietnamese foods with Helen’s Recipes, featuring over 60 Vietnamese dishes, has sold over 1,000 books around the world.

Helen noted, “Vietnamese cuisine opened many chances for me. I will continue to share Vietnamese cuisine with people around the world and help them learn more about my country’s culture and traditions”.


 

Da Nang sisters introduce Vietnamese cuisine to the world

AUGUST 3, 2014 BY VIETNAMNET

VietNamNet Bridge – After four years of preparation, Ha Huyen founded the largest channel featuring Vietnamese food on YouTube, called Helen’s Recipes (Vietnamese Food). It has had over 20 million hits, mostly from foreigners, on YouTube.

Ha Huyen (left) and Ha Uyen learn how to make banh can (can cake) in Da Lat.

After years of study in Singapore, Germany, Japan, and Australia, the two sisters born in the central city of Da Nang, Le Ha Huyen (Helen Le, 30) and Le Ha Uyen (Summer, 26), decided to spend time promoting the special dishes of Da Nang and other areas of Vietnam to international friends.

Ha Uyen is also the owner of the website danangcuisine.com with about 20,000 hits per day.

While studying business administration at the University of Asia Pacific (Japan) in 2009, Ha Uyen was often asked by her foreign friends “What are Vietnam’s unique dishes?” and “What are the delicious dishes of Da Nang??”

At that time, there was almost no website in English about Vietnamese dishes. Ha Uyen emailed her sister – Ha Huyen – who was studying MSc at the University of Hamburg (Germany) to discuss the making of a website on Vietnamese food.

During her five years studying overseas, Ha Huyen was also asked similar questions by her friends. Therefore the two sisters decided to design a website promoting Vietnam cuisine, firstly the food of their hometown – Da Nang.

Ha Uyen, who has good English language skills, opened a blog, which became a website in 2011, writing comments about Da Nang’s cuisines and recommending popular restaurants, many of which did not even have a name, where these dishes were offered.

In 2011, Ha Huyen joined her sister by opening a YouTube channel, where she posts video clips guiding foreign viewers how to cook these dishes.

“Find the lost part of my life”

“We mainly process simple dishes so foreigners can cook them. But sometimes we make sophisticated dishes to make the show more interesting,” Uyen said.

From early 2014, the sisters began earning advertising revenue from their channel and website. Previously they maintained these addresses with their own money.

Huyen and Uyen recalled the stories, which are the driving force for them to maintain their YouTube channel and website.

Adele Hoang Diep, a 16-year-old Vietnamese-born girl in the U.S. who was adopted at birth, emailed Ha Huyen in 2012: “I feel like a part of my life is a secret. I had tried to find the relationship with my home country but I still could not find it. Fortunately, since I knew your channel. I feel very comfortable like I’ve found the lost part of my life.”

A Korean girl whose husband is a Vietnamese wrote to Huyen and Uyen: “The relationship between me and my mother-in-law was not good, perhaps due to cultural differences. But since I was guided by you to cook Vietnamese cuisine, the relationship between us has got better. We watched your video clips and cooked together. I feel the cultural differences can be resolved by dishes.”

The sincere emails moved the sisters and became a driving force behind their desire to maintain their Youtube channel and website.

Da Nang tour and cookbook

Uyen has returned to Vietnam. Through the Internet, many more foreign tourists know about Uyen and Huyen. To increase interaction with the viewers and to have money to maintain their channel, Uyen has offered a tour to Da Nang to enjoy the city’s special cuisine.

After work, Uyen takes foreign visitors to sidewalk restaurants in Da Nang. “My mission is not to make diners think the food is so delicious but to understand the interesting story behind the dishes,” Uyen said.

Recently, an Australian visitor showed Uyen newspaper articles that had included the addresses of restaurants in Da Nang. He said: “I come to Da Nang very often and it is not difficult to find these restaurants but I would like to hear stories about Vietnamese cuisine from you”.

Uyen took the Australian man to a sidewalk restaurant that served steamed glutinous rice and chicken and told him the story behind the cuisine: the Vietnamese always honor the ancestors and they offer steamed glutinous rice and chicken to their ancestors. Uyen also told foreign visitors about the stories behind other dishes like banh beo, banh chen, banh nam and others.

Uyen said she had to read a lot of books and meet with older people to listen to their stories about Vietnamese food.

Ha Huyen works in Germany but every year she spends all of her holiday in Vietnam to film Vietnamese food. Ha Huyen is now in Vietnam to prepare materials for a guidebook for foreigners on Vietnamese cuisine.

Huyen said: “I want to attract international friends to Vietnam by helping them understand the food of Da Nang and Vietnam“.



Vietnamese dishes introduced to the outside world

  • JULY 28, 2014 BY QDND
  • http://www.vietnambreakingnews.com/2014/07/vietnamese-dishes-introduced-to-the-outside-world/

Two sisters from Da Nang city, Le Ha Huyen (Helen Le, born in 1984) and her sister Le Ha Uyen (Summer, born in 1988) have been trying to introduce typical dishes of the central city of Da Nang and other localities across Vietnam to international friends.

Ha Huyen is the founder of the youtube channel named Helen’s Recipes (Vietnamese Food) with nearly 150,000 subscribers and more than 20 million views, mostly foreigners. Her younger sister, Ha Uyen is hosting the website danangcuisine.com with comments on dishes, attracting about 20,000 views a day.

Ha Uyen came up with the idea of launching this website in 2009 when she was studying business management at the Asia-Pacific University in Japan. During the course, she was often confronted with the questions “What are the unique dishes of Vietnam and which is the most delicious food of her native city of Da Nang??” At that time, there seemed to be no website introducing Vietnamese dishes inEnglish language. Thus, Ha Uyen discussed opening a website with her sister who was doing the master degree at the University of Hamburg, Germany.

 Five years living in an international environment, Ha Huyen had many times faced with similar questions. Therefore, they decided to build an online page on Vietnamese food with dishes of Da Nang city at the top of the list.

The special page was developed from a blog to a website in 2011. Ha Uyen with a good command of English is responsible for writing about dishes and introducing favourite and popular eating places, including those with no signboard. Also in 2011, Ha Huyen opened ayoutube channel instructing how to cook Vietnamese dishes by herself via videos.

The two sisters have introduced very simple ways to make Vietnamese food so that any foreigners can cook by themselves. They sometimes “add spices” to their writing and videos to lure more foreigners to Vietnam.

Via internet, more and more foreign visitors know sisters Ha Huyen and Ha UyenReturning to Vietnam after graduation, Ha Uyen launched cuisine tours in Da Nang city to improve the interaction with viewers on her online page. After work, she often takes tourists to enjoy dishes offered at street stalls across her home city. She held that her mission is not to make tourists have good appetite, but understand interesting stories behind each dish.

Recently, an Australian tourist met Ha Uyen, showing a file of copies of Ha Uyen’s writings and said that it was quite easy to find places to taste dishes in Da Nang but what he wanted were stories about food told by Ha Uyen. She took the guest to a corner of a crossroads to try steamed glutinous rice with chicken and told him that Vietnamese people always respect their predecessors and often offer them that dish whenever they worship them.

Ha Huyen is the top 5 chefs at the global cooking competition Seoul Fusion Hansik in 2013, themed “Seoul, my new recipe”. The Today Korea channel filmed her thanks to her combination of Korean and Vietnamese vegetables with rice paper.

Meanwhile, the Weekend Weekly of Hong Kong (China) interviewed Ha Uyen on cuisine and tourism of Da Nang city in March 2012. The New York Times published an article on Da Nang and its food with Ha Uyen as main character on March 19th, 2013.

To enrich her knowledge of dishes and stories behind them, Ha Uyen has read more books on culture and learnt from the elderly as stories told by them are simple but attractive.

At present, Ha Huyen is working in Germany, but on holidays shereturn to the home country to film dishes. She spent this July in Vietnam preparing documents for her book on Vietnamese dishes. Ha Huyen said that she would like to attract international friends to Vietnam by providing them more information about food of Da Nang city in particular and Vietnam in general.

Apart from their own love for Vietnamese dishes and ambition to make them known worldwide, the two sisters said that the interest of viewers has been the driving force that inspired them to continue the work.

They recalled an email to Ha Huyen from Adele Hoang Diep, a 16-year-old Vietnamese American and an adopted child, in 2012. Diep had found part of her life secret and with great efforts she still failed to find her link with the motherland. Luckily, when she opened Helen’s Recipes (Vietnamese Food) and cooked Vietnamese dishes she could find the lost part of her life.

A Korean bride married to a Vietnamese man, wrote that thanks to videos on Ha Huyen’s youtube channel, her relationship with the mother-in-law is better. “I feel that cultural differences can be solved by dishes“, she wrote.

Source: Tuoi Tre – Translated by Mai Huong


Da Nang cuisine gets global exposure

  • July, 20 2014 16:28:21
  •  http://vietnamnews.vn/sunday/inner-sanctum/257726/da-nang-cuisine-gets-global-exposure.html

VIETNAM NEWS -Le Ha Uyen wanted to share her passion for her native cuisine with her international friends, and in doing so she discovered the subtleties that made Vietnamese cuisine so diverse, Luong Thu Huong reports.

Le Ha Uyen was a student of the Ritsumeikan Asia Pacific University in Japan and Australian National University, majoring in Business Administration. Her bilingual website, focusing on Da Nang’s specialties has been a useful and favourite source of information to many foreign visitors discovering the coastal land. Uyen has recently appeared in The New York Times, the prestigious international newspaper, as a young Vietnamese who has special fondness for the cuisine of her hometown.

Inner Sanctum: How did you come up with the idea of the website danangcuisine.com?

During my five years studying in Australia and Japan, many of my friends there were curious about Viet Nam and often asked me what they would eat if they visited my hometown. I searched on the Internet, but five years ago there were almost no English websites writing about Da Nang’s cuisine, and the pictures were even more uncommon.

Like many other overseas students who often miss the traditional food of their country, I used to cook and introduce some of my specialties, like My Quang (Quang noodles) and Banh xeo (Vietnamese crepes), to my international friends. Surprisingly, they enjoyed the food that I cooked a lot, especially Quang noodles. Then, around that time, the idea of building a website introducing all the delicious dishes of my hometown popped into my head.

Inner Sacntum: Are you interested in cooking and do you consider yourself a good cook? What is your most favourite dish?

I’m keen on cooking, especially European and Asian dishes. However, I don’t have to cook regularly, and consider cooking as a challenge to myself.

My favourite dish is bun mam nem (Vermicelli salad with anchovy sauce). This dish is made of vermicelli, boiled or roasted pork, vegetables, unripe jackfruits, roasted peanuts and, of course, anchovies-in-brine sauce. To me, bun mam is the simplest, yet most addictive dish of Da Nang. It’s a taste that haunted me during my four years in Japan. It is also what I ate every morning every time I came back to Viet Nam on university vacations.

As the name suggests, the exquisiteness of this dish depends mostly on its anchovy fish sauce. Originally, bun mam is accompanied by boiled pork, and other alternatives include roasted pork (my favourite) or nem chua (fermented pork roll). Of course it can’t go without the special chilli jam which is a trademark of the central region. It is very easy to make a bowl of bun mam, but not so easy to make a good one. However, I still hesitate when introducing my favourite dish to foreigners, because not all of them can eat the anchovy sauce. But as soon as you enjoy its taste, you are likely to be addicted to this “hate it or love it” dish.

Inner Sanctum: How have you studied Da Nang’s food and for how long? During that time, have you seen changes in the local food?

Born and raised in Da Nang, I have gained basic knowledge about the traditional food of my hometown thanks to the numerous occasions when my friends and I dined outside. After that, I used to learn and cook the local food while I was studying abroad for five years, from 2006 to 2011. I also adopted a habit of researching on the Internet about unfamiliar or new dishes.

At present, many restaurants of cuisine from around the world, like Italy, India, Japan or South Korea, have been mushrooming in Da Nang, but the taste of the local traditional food still remains unchanged. What I have seen changing is the awareness of people who enjoy the food. When Vietnamese food is mentioned, people used to talk a lot about typical northern or southern dishes like pho (noodles) or bun oc(vermicelli and snail soup), while those from the central of Viet Nam, which can be considered the cradle of Vietnamese cuisine, were still unpopular among visitors.

On establishing the website, I aim to introduce as much information about the cuisine of central Viet Nam in general and of Da Nang in particular to visitors, especially foreigners. More and more visitors have learned and cared more about Da Nang’s specialties. Moreover, many have copied and printed out the information from my website so that they can try all the dishes on reaching my hometown.

Inner Sanctum: What are the interesting facts about local cuisine you have discovered?

I have a habit of comparing Vietnamese cuisine with that of other countries, and I have realised that Vietnamese cuisine can have large diversity. The idea for each dish is similar in each region, but the way of cooking varies. For example, Vietnamese crepe is popular in both central and southern Viet Nam; however, if it is enjoyed with sweet fish sauce in the south, the crepe is accompanied with sweet soya sauce in Da Nang. The different ways in which dishes are made have created the rich cuisine of Viet Nam, unlike that of Japan, which is pretty conservative and respects originality.

I have also discovered many other interesting facts. For example, Da Nang has lots of rolled food and various varieties of sauces, and different dishes go with different varieties of sauces and vegetables. For example, Vietnamese crepe is eaten with lettuce, basil, green banana, etc, together with soya sauce made from ground pig liver and peanuts.

Inner Sanctum: What do you intend to do to upgrade the quality of the website and Food Tour?

These two projects have actually succeeded beyond my expectations.

When I first launched the website danangcuisine.com, I just considered it a convenient handbook for visitors who were searching for local cuisine. I did not expect it to draw so much attention from both domestic and international newspapers, and that such delicious dishes of my hometown like mit tron (Young jackfruit salad) and bun mam(vermicelli with anchovy sauce) have been introduced into the world in such a natural and proud way.

My website was initially just a free blog, but I have recently purchased the domain and had an IT specialist re-design and update its interface as well as contents. I have also created my own channel on Youtube reviewing the most prominent dishes of the lands I have set foot on. Though I have not invested much time in it, I have already had over 3,000 subscribers with over 500,000 views, which I hope to increase more and more in the future. I think that embedding those Youtube short clips to the website in addition to still photos will make it more appealing and catch up with the modern trend.

With regard to the food tour (official name: “Funtastic Danang Food Tour”) which I just started in April 2014, I am currently working on promoting it on different travel channels so that it will reach a bigger audience, especially foreign tourists visiting Da Nang. I believe that with my five years of food blogging experience, I am able to take my guests on the most scrumptious food journeys with valuable local insights, bringing Da Nang cuisine closer to the world. — VNS


In Da Nang, Vietnam, Looking to the Future

  • By MIKE IVES
  • MARCH 19, 2013
  • http://www.nytimes.com/2013/03/20/travel/in-da-nang-vietnam-looking-to-the-future.html

New York Times – DA NANG, VIETNAM — Le Ha Uyen never tires of searching her hometown’s shady alleys and side streets in search of the perfect bowl of noodles.

“It takes time to explore,” said Ms. Uyen, a 24-year-old foreign affairs officer who blogs about Da Nang and its vast food culture. “We have a very diverse cuisine, and different shops have different types of cooking.”

Travelers arriving in Da Nang typically travel by road 29 kilometers, or 18 miles, south to the former trading port of Hoi An, which Unesco has designated a cultural heritage landmark. Others drive north to the former royal capital of Hue, another designated heritage site, where a preserved citadel offers glimpses into a former feudal empire.

But some residents and expatriates say Da Nang, a coastal city that was host to a U.S. air base during the Vietnam War, is emerging as an appealing destination in its own right. The city’s charms include a riverfront promenade where locals sip iced coffee, and a museum displaying artifacts from the Champa kingdom, which ruled for centuries along Vietnam’s central and southern coasts.

Vietnamese tourists enter Linh Ung Son Tra Pagoda, a popular tourist attraction in Da Nang. Credit Mike Ives
And the central region’s best-known foods, like the noodle dish mi quang and the chicken-and-rice medley com ga, easily rival salty specialities from Hanoi and sweet ones from Ho Chi Minh City. It is easy to spend less than 200,000 Vietnamese dong, or about $9.60, on a day of eating in Da Nang, and hard to resist sampling the noodles, snacks and desserts that confront you at every street corner.

Ms. Uyen, who lived in Japan and Australia before coming home in 2011, says dishes from Da Nang and Vietnam’s central coast are underrepresented outside the country, especially when compared with the interest in foods from the north or south. “They deserve to be more popular,” she said.

Da Nang, Vietnam’s fourth-most populous city, also has a crescent-shaped beach that lies largely vacant by day except for some expatriate surfers. Vietnamese revelers arrive just before dusk, tossing volleyballs or strolling in the surf as vendors sell beer and quail eggs from foam coolers.

Farther up the beach, fishermen prepare the thatched, circular boats that they row most evenings into the South China Sea, catching squid and prawns as their grandparents did before Vietnam won its independence from France in 1954.

“I catch anything in the sea,” Huynh Ba Son, 41, said recently on the beach before beginning his nightly fishing shift. “Anything that swims into my net.”

The boats leave shore at sunset, passing a hilltop pagoda complex where a 67-meter, or 220-foot, female Buddha gazes back at the twinkling green lights of Da Nang’s modest skyline of low-rise concrete houses and occasional office towers. According to local legend, she has kept away typhoons that typically ravage this coastline during the winter rainy season. The city may not stay lucky forever: Like some of Da Nang’s shinier buildings, the statue is a mere three years old.

 

In the 1960s, U.S. troops used the Da Nang air base to mix and store dioxin, the toxic ingredient in the defoliant Agent Orange, which was sprayed over swaths of Vietnam — the total area affected was about half the size of Switzerland — to deny cover to North Vietnamese troops and Vietcong guerrillas.

Vietnam says millions of its citizens continue to suffer as a result of dioxin exposure. The United States finances rehabilitation services for Vietnamese living with disabilities, regardless of cause, but maintains that no link between exposure and health consequence has been scientifically proved. Although the two countries normalized relations in 1995, the United States has long resisted Vietnamese requests for help with dioxin remediation, even as it has spent billions on disability payments and health care for its soldiers who were exposed to Agent Orange during the war.

But last August, U.S. and Vietnamese officials shook hands in Da Nang and introduced a $43 million joint project that will eradicate the remaining dioxin at the air base over four years, using technology that cleans contaminated soil by heating it to high temperatures. The U.S. Agency for International Development says only the former air base is contaminated.

“We are both moving earth and taking the first steps to bury the legacies of our past,” David B. Shear, the U.S. ambassador to Vietnam, said at a ceremony marking the occasion. The United States increasingly views Vietnam as a strategic partner in its efforts to counter China’s rising influence in the South China Sea, which has international shipping lanes and is believed to contain untapped reserves of oil and natural resources.

The ghosts of a conflict that killed an estimated 58,000 Americans and 3 million Vietnamese have not entirely vanished: Museums in Da Nang display leftover bombs and tanks, and some residents suffer from leukemia and other illnesses that the Vietnamese Communist Party says are linked to dioxin from Agent Orange.

But the city, which has a population of more than 700,000, is looking to the future. Three bridges are under construction, and the newly refurbished airport, which has the country’s first Burger King, offers flights to major destinations in the region like Singapore and, at the end of the month, Hong Kong.

The city authorities are trying to bolster Da Nang’s international image by promoting luxury resort development and staging sports competitions, including an inaugural marathon scheduled for Sept. 1. They also have constructed a few unconventional attractions, including the giant Buddha statue and a 50-meter glass elevator that for 30,000 Vietnamese dong will lift a tourist to a hilltop pagoda overlooking coastline that U.S. troops once called China Beach.
Developers say Vietnam’s central coast has the makings of Asia’s next beachfront resort destination, and some international hotel chains, including Hyatt and InterContinental, recently opened resorts along a stretch of prime coastline. But change comes more slowly in central Da Nang, where streets are still flanked by faded yellow homes from the French colonial era, and motorbike traffic is not nearly as frenetic as it is in Hanoi or Ho Chi Minh City.

Thanh Huong, who serves noodles in a small shop near the riverfront promenade, said she had not seen too many changes lately in her neighborhood, aside from some upscale restaurants that opened across the street.

As for her business, she said on a recent weekday afternoon, “People like the way I cook, not too salty, not too plain.”

Ms. Huong said she and her husband, a soldier who fought with the Americans, moved to Da Nang from Hue in 1968. For the last 20 years she has been perfecting her recipe for banh canh: rice or tapioca noodles in a mild broth made from crab, shrimp and beef stocks.

Unlike other vendors, Ms. Huong said, she makes her noodles from scratch, no matter that a bustling food market is only a few streets away. Her regular customers include Ms. Uyen, the blogger, who says the shop is among her favorites.

Getting to Da Nang

Da Nang’s airport offers several flights each day to and from Hanoi, Ho Chi Minh City and several other Vietnamese cities. There also are direct flights to Singapore, Seoul and Kuala Lumpur, and on March 28, Dragonair is scheduled to begin flying three times a week between Da Nang and Hong Kong.

Da Nang is also a stop on a popular train route that traverses the country from north to south.

A version of this special report appears in print on March 20, 2013, in The International Herald Tribune.

298 / 657

Leave a Reply